Dân Việt

Có “điều trần” BIDV về khoản dư nợ 10.664 tỷ đồng của Bầu Đức?

Trần Giang 19/04/2016 09:22 GMT+7
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của BIDV sẽ nóng lên với những chất vấn của cổ đông xung quanh những yếu kém trong hoạt động kinh doanh, thanh khoản, đặc biệt là khoản dư nợ 10.664 tỷ đồng của Bầu Đức.

img

Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông vào ngày 24.4 tới. Khá bất ngờ khi nội dung chương trình ĐHĐCĐ năm nay của BIDV không có nội dung xin ý kiến cổ đông tăng vốn điều lệ.

Trong một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) tính theo Thông tư 36 của BIDV chỉ hơn 9% do ngân hàng chưa tăng vốn cấp 1 trong 2015.

Vào đầu 2015, BIDV có vẻ khá lạc quan về kế hoạch tăng vốn cấp 1 của mình thông qua phát hành phát hành cổ phần cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, cuối cùng ngân hàng đã tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu.

“Hiện BIDV không còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng cho vay khách hàng trong năm nay do ngân hàng không thể phát hành thêm nhiều vốn cấp 2 mà không tăng vốn cấp 1. Theo đó BIDV cần nhanh chóng tăng vốn cấp 1 bằng không tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2016 sẽ rất kém” HSC bình luận.

Một câu hỏi nữa mà cổ đông sẽ “điều trần”, đó là rủi ro thanh khoản của BIDV. Nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn của BIDV trong năm 2015 cũng cho thấy sự bất ổn của thanh khoản. Cụ thể, năm 2015, tăng trưởng huy động của BIDV chỉ đạt 791.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt trên 804.000 tỷ đồng, tăng trưởng 26%.

Để có tiền cho vay, BIDV đã phải vay “nóng” từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 cũng cho thấy BIDV đang vay của NHNN là 33.961 tỷ đồng, trong khi năm 2014 chỉ vay có 1.760 tỷ đồng.

Báo cáo của HSC cũng cho thấy BIDV đang có nguy cơ về rủi ro thanh khoản. “Căn cứ vào báo cáo rủi ro tiền tệ của BIDV, chúng tôi ước tính tỷ lệ LDR thuần (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) cho toàn bộ các loại tiền tệ quy đổi ra VND là 106%. Đây là một mức rất cao so với bình quân các ngân hàng niêm yết”, HSC phân tích.

Báo cáo rủi ro thanh khoản cũng cho thấy rằng BIDV là ngân hàng có mức độ tập trung cao nhất các nguồn huy động tiền gửi ngắn hạn, cụ thể là 97,5% tổng số dư huy động khách hàng của BIDV có kỳ đáo hạn còn lại trong vòng 1 năm, và 64,21% có kỳ đáo hạn còn lại trong vòng 3 tháng.

Trong khi, ở những ngân hàng khác, tỷ trọng này ở mức thấp hơn, ví dụ như Vietcombank tương ứng là 92,6% và 62,24%, ở Vietinbank là 89,9% và 52,1% còn ở MB là 89,9% và 59,5%.

“Do đó, tình trạng thiết hụt các nguồn vốn trung và dài hạn hiện tại cùng với tỷ lệ LDR thuần đang rất cao cho thấy rằng, BIDV sẽ tương đối phụ thuộc vào nguồn vốn liên ngân hàng và kênh hỗ trỡ vốn của NHNN (ví dụ OMO). Và nếu BIDV muốn cải thiện tình trạng này, Ngân hàng sẽ phải áp dụng một chính sách lãi suất huy động cạnh tranh hơn nữa”, HSC bình luận.

“Nóng” nhất có lẽ là khoản dư nợ đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Bầu Đức. Trong BCTC, kiểm toán viên cho rằng HAGL đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trái phiếu, điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Cổ đông chắc chắn sẽ chất vấn ban lãnh đạo BIDV về khoản dư nợ này, như trích lập dự phòng thế nào, nợ xấu tăng lên bao nhiêu, ảnh hưởng thế nào tới lợi nhuận năm nay…?