Kiểm soát chặt khi ngân sách viện trợ tăng
Theo Hãng tin ABC ngày 17-11, nghi vấn được đặt ra giữa lúc chi ngân sách cho viện trợ của Australia đã tăng gấp đôi kể từ vài năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2015. Chính phủ Australia cho hay một hội đồng độc lập bao gồm nhiều nhân vật có tiếng tăm sẽ được thành lập để thẩm định liệu tiền viện trợ có được sử dụng đúng mục đích hay không.
Indonesia là nước được tiếp nhận viện trợ nhiều nhất từ Australia |
Các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã mau chóng lên tiếng cam đoan sẵn sàng chuyển giao viện trợ của Australia cho các nước tiếp nhận. Tuy nhiên, Bộ Ngân khố Australia cảnh báo rằng nếu như chỉ gia tăng tiền viện trợ mà không có các biện pháp quản lý tốt thì sẽ không đảm bảo được tính hiệu quả của các chương trình viện trợ cho nước ngoài, sẽ không sử dụng đúng giá trị của đồng tiền.
Hiện nay, Australia viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương chiếm 1/4 số viện trợ của nước này. Dưới áp lực của dư luận về vấn đề này, chính phủ thuộc đảng Lao động cho hay sẽ mở một cuộc xét duyệt nhiều khía cạnh của các chương trình viện trợ, đặc biệt là việc sử dụng cố vấn kỹ thuật vốn là một vấn đề chịu nhiều chỉ trích. Số lượng cố vấn kỹ thuật đã được cắt giảm tại Papua New Guinea và Đông Timor và sắp tới có thể tại Vanuatu và Solomon Islands.
Vào đầu năm 2010, Bộ Ngân khố Australia cho biết chương trình viện trợ nước ngoài của nước này cần phải được xem xét một cách thận trọng, nhất là khi dự toán ngân sách viện trợ tăng gấp đôi, lên tới 8,6 tỷ USD vào năm 2015.
Quan tâm viện trợ nước nghèo
Bộ trưởng Ngoại giao Kevin Rudd cho hay, một trong những mục đích của việc cân nhắc các chương trình viện trợ là nhằm xác định xem đồng tiền sẽ phát huy tác dụng tích cực nhất trong công tác xóa đói giảm nghèo ở những khu vực nào.
Ngoài ra, nó cũng giúp xác định sự tự chủ trong phát triển kinh tế của nước nhận viện trợ Australia. Vẫn theo lời ông Rudd, đó cũng là cam kết của Australia khi tham gia thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ trên góc độ khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng, viện trợ vẫn tiếp tục được dành cho các dự án phục vụ quyền lợi quốc gia của Australia hơn là dành cho những nước nghèo nhất.
Ông Gary Lee - phát ngôn viên tổ chức chuyên theo dõi viện trợ "AidWatch", nêu ví dụ về một khoản tiền viện trợ của Australia đã được Bộ Di trú dùng để hỗ trợ việc kiểm soát tình trạng nhập cư bất hợp pháp từ Indonesia cũng như để nâng cấp các trại tị nạn. Ông cho rằng số tiền viện trợ đó không được sử dụng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho người dân Indonesia mà để giúp giải quyết vấn đề an ninh lãnh thổ của Australia.
Quang Minh