Những dự án này chủ yếu đều phải hủy bỏ do Đạo luật Kiểm soát ngân sách và chính sách thu hẹp quy mô quân đội Mỹ. Dưới đây là 15 dự án đã được Mỹ đầu tư nhiều nhất trong những năm 2000 nhưng phải hủy bỏ.
Hệ thống chiến đấu tương lai (FCS)
Đây là dự án được Mỹ bắt đầu thực hiện vào năm 2003 nhằm tạo ra một lữ đoàn bộ binh được trang bị cả các phương tiện có người lái và không có người lái. Tuy nhiên, đến năm 2009, Lầu Năm Góc đã hủy bỏ dự án này để tập trung vào một dự án khác có tên “Chương trình Phương tiện chiến đấu bộ binh”. Theo ước tính của CSIS, chi phí Mỹ đã bỏ ra vào khoảng 18,1 tỉ USD.
Trực thăng tấn công và do thám RAH-66 Commanche
Đây là dự án đã được Mỹ chuẩn bị từ những năm 1980 nhưng đến đến năm 2004 phải hủy bỏ sau khi đã đầu tư 7,9 tỉ USD. Lầu Năm Góc cho biết, để RAH-66 tránh được tên lửa phòng không thế hệ mới, họ phải đầu tư một khoản tiền rất lớn. Đây chính là lí do quốc hội Mỹ không chấp nhận mà thay vào đó sử dụng khoản tiền này để nâng cấp những mẫu trực thăng hiện có hay phát triển máy bay không người lái.
Hệ thống vệ tinh môi trường quốc gia (NPOESS)
Mỹ đã mất 5,8 tỉ USD để phát triển hệ thống này tuy nhiên đến năm 2010, Lầu Năm Góc quyết định tách nó thành 2 phần là ứng dụng cho mục đích dân sự và quân sự. Dự án dành cho quân đội có tên “Hệ thống Vệ tinh Quốc phòng” do vượt chi phí 25% và chậm tiến độ 5 năm nên đã bị Mỹ hủy bỏ vào năm 2011.
Hệ thống laze chống tên lửa đạn đạo cho máy bay
Mỹ đã hủy bỏ dự án này vào tháng 12.2011 sau khi dành 5 tỉ USD nghiên cứu trong 16 năm trước đó. Nguyên nhân của việc này là hệ thống không hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, dự án này cũng được cho là nền tảng đển Mỹ tiếp tục phát triển các loại vũ khí laze khác sau này.
Trực thăng tổng thống VH-71
Mỹ hủy bỏ dự án này vào năm 2009 sau khi đã đầu tư 3,7 tỉ USD. Đây là chiếc trực thăng gặp nhiều vấn đề về thiết kế, nhiều lỗi kĩ thuật phát sinh và chi tiêu vượt quá ngân sách ít nhất 40%.
Phương tiện chiến đấu viễn chinh (EFV)
Mỹ mất 3,3 tỉ USD vào việc nghiên cứu mẫu phương tiện chiến đấu này cho lực lượng lính thủy đánh bộ nhưng sau đó lại hủy bỏ vì Lầu Năm Góc muốn tập trung vào một dự án phát triển phương tiện đổ bộ khác.
Lựu pháo tự hành XM2001 Crusader
Với trọng lượng gần gấp đôi lựu pháo M109 Paladin thế hệ cũ cũng như khả năng cơ động kém, độ chính xác của vũ khí không cao và giá thành đắt đỏ khiến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là Donald Rumsfeld ra lệnh hủy bỏ dự án này vào tháng 5.2002 sau khi đã đầu tư 2,2 tỉ USD.
Máy bay chỉ huy và kiểm soát đa cảm biến E-10
Dự án E-10 chính thức bị hủy bỏ vào năm 2007 với nhiều áp lực về ngân sách và ưu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho những dự án khác. Lầu Năm Góc đã đầu tư 1,9 tỉ USD vào dự án này.
Hệ thống cảnh báo tên lửa từ không gian vũ trụ (SBIRS-Low)
Dự án này trên thực tế không bị hủy bỏ mà nhập vào một dự án mới hơn với mục tiêu tương tự, có tên “Hệ thống do thám và theo dõi không gian” của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, 1,5 tỉ USD được cho là đã phí phạm vào những nghiên cứu không đi đến kết quả của dự án này.
Hệ thống triển khai lính đặc nhiệm SEAL
Vào năm 2006, Mỹ đã hủy bỏ dự án này sau khi đã đầu tư 600 triệu USD và phát hiện ra nhiều vấn đề về thiết kế và sự thực dụng. Tuy nhiên, nhà sản xuất Nortgrop Grumman vẫn cố phát triển cho đến năm 2008, thời điểm nguyên mẫu duy nhất của nó gặp tai nạn và bốc cháy đến mức không thể sửa chữa.
Trực thăng do thám trang bị vũ khí Bell ARH-70 Arapaho
Sau khi đầu tư 500 triệu USD, Mỹ quyết định hủy bỏ dự án này vì thấy việc sử dụng trực thăng tấn công Apache kết hợp máy bay không người lái vẫn hiệu quả hơn.
Khung máy bay do thám Common Sensor
Máy bay P-8 Poseidon
Đây là dự án phát triển máy bay do thám thế hệ mới bị hủy bỏ vào năm 2006 do sự bất đồng ý kiến giữa lực lượng hải quân và lục quân Mỹ. Lục quân muốn đầu tư phát triển chiếc máy bay mới nhưng hải quân Mỹ muốn nâng cấp máy bay P-8 Poseidon. Cuối cùng dự án này được thay thế bằng việc phát triển máy bay do thám khác nhỏ hơn có tên EMARSS. Mỹ đã đầu tư 400 triệu USD vào dự án này trước khi nó bị hủy bỏ.
Tàu tuần dương CG(X)
Lầu Năm Góc đã đầu tư vào dự án này 200 triệu USD trước khi hủy bỏ vào năm 2010 vì hải quân Mỹ quyết định mua thêm các tàu khu trục DDG-51.
Máy bay trực thăng chiến đấu và cứu hộ CSAR-X
Vào năm 2009, sau khi đầu tư 200 triệu USD, Lầu Năm Góc hủy bỏ dự án này do cho rằng nó không cần thiết trong giai đoạn cắt giảm ngân sách.
Máy bay ném bom thế hệ mới
Sau khi đầu tư 100 triệu USD, Mỹ đã bỏ dự án “máy bay ném bom thế hệ mới” và thay bằng “máy bay ném bom tầm xa”, hay còn mới được gọi là B-21.