Dân Việt

Tin đồn ung thư do đậu nành: Đừng đem miếng cơm của nông dân ra đùa

Hải Trung 21/04/2016 06:15 GMT+7
Thời gian qua, một số trang tin, trang mạng xã hội tung tin về việc 2 phụ nữ bị ung thư do uống sữa đậu nành. Tin đồn thất thiệt này đang khiến nhiều nông dân trồng đậu, làm đậu… hoang mang, điêu đứng.

Không có cơ sở  khoa học

Theo Ths-bác sĩ Nguyễn Lê – chuyên ngành ung bướu Bệnh viện Quân y 103, việc một số trang mạng thông tin đậu nành cùng các chế phẩm đậu nành có khả năng gây ung thư do chứa isoflavine - phytoestrogen (estrogen sinh học), đồng thời phytoestrogen trong đậu nành còn phá vỡ chức năng nội tiết và có khả năng gây vô sinh ở cả nam và nữ là không có cơ sở. Bởi đến nay, các nghiên cứu chính thống chưa bao giờ đề cập điều này, bệnh nhân ung thư cũng chưa bao giờ được khuyến cáo hạn chế ăn đậu nành.

imgBà Phạm Thị Thư (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội): "Bao đời nay nhà tôi làm nghề đậu phụ, nếu ung thư thì cả làng này bị ung thư hết rồi".  ảnh: H.T

Bác sĩ Nguyễn Lê cho biết: “Để làm tăng estrogen trong cơ thể cần vô vàn hoạt chất khác có trong các loại thức ăn. Còn phytoestrogen trong đậu nành có hàm lượng vô cùng nhỏ nên không thể tác động lên estrogen toàn cơ thể”.

Bác sĩ Lê khuyến cáo người tiêu dùng không nên hoang mang vì thực tế những nghiên cứu độc lập ít có giá trị, không mang tính đại diện.

Đừng mang miếng cơm manh áo của người dân ra đùa cợt, tội lắm. Chúng tôi làm nghề này từ cha sinh mẹ đẻ, cây đậu tương rất lành, không bỏ đi thứ gì. Trước đây, thông tin nhiễu loạn về vài loại quả gây ung thư đã làm bao nhiêu người điêu đứng rồi”. 
Ông Nguyễn Công Sơn – Trưởng cụm 5, xã Hồng Hà

GS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cũng cho rằng một vài nghiên cứu cho thấy mầm đậu nành có chứa estrogen sinh học nhưng đây không phải nguyên nhân gây ung thư.

Đồng quan điểm, TS-bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh – Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, estrogen từ đậu nành có nồng độ rất thấp nên có thể dùng thoải mái.

Nông dân hoang mang

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Tiến (xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, Nam Định), người nhiều năm trồng cây đậu tương bày tỏ sự bất ngờ trước việc một số trang mạng thông tin sản phẩm từ đậu tương có thể gây ung thư. “Thú thực, tôi không hiểu sao họ lại đặt điều như thế. Bao đời nay chúng tôi vẫn dùng những sản phẩm này có làm sao đâu”- ông Tiến bức xúc.

Còn ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nông dân Phạm Văn Cường đã nhổ bỏ một phần ruộng đậu tương sắp đến ngày thu hoạch. Ông Cường cho rằng tin đồn ảnh hưởng không tốt đến nghề nông, làm người dân đứng ngồi không yên. “Nghe tin đồn như thế, tôi nhổ bỏ đống cây đậu tương đem cho bò ăn” - ông Cường chia sẻ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thịnh Long cho biết: “Chúng tôi đã chủ động nắm bắt tin đồn thất thiệt trên để động viên người dân không hoang mang. Hiện chưa có ai nhổ bỏ hết cả ruộng đậu tương nhà mình. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ để người dân không hoang mang, lo lắng trước tin đồn này”.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, diện tích trồng đậu của Nam Định hiện là 1.525ha tập trung ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Ý Yên. Ông Nguyễn Ngọc Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo xác minh thông tin, đây là cây trồng từ lâu đời, chưa bao giờ có tác dụng không tốt cho sức khỏe vì vậy người dân yên tâm sản xuất, không để tin đồn thất thiệt gây dao động, hoang mang”. Nhiều hộ sản xuất đậu phụ ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội cũng bức xúc trước tin đồn thất thiệt kể trên. Ông Nguyễn Công Sơn – Trưởng cụm 5, xã Hồng Hà nói: “Đừng mang miếng cơm manh áo của người dân ra đùa cợt, tội lắm. Chúng tôi làm nghề này từ cha sinh mẹ đẻ, cây đậu tương rất lành. Trước đây, thông tin nhiễu loạn về vài loại quả gây ung thư đã làm bao nhiêu người điêu đứng rồi”.

Còn ông Nguyễn Đình Đà – Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cũng cam kết sẽ yêu cầu các ban ngành tuyên truyền với người dân về thông tin đậu tương có chất gây ung thư là thông tin thất thiệt, để người dân không nao núng.