Dân Việt

Doanh nghiệp gửi tâm tư tới tân Thủ tướng

Thanh Xuân (ghi) 21/04/2016 07:00 GMT+7
Biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp năm 2016 vào ngày 29.4.2016, ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thông Thuận (Bình Thuận) đã gửi gắm những tâm tư tới tân Thủ tướng thông qua Báo NTNN.

Ông Trương Hữu Thông cho biết, hiện doanh nghiệp của ông đang kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất tôm giống, sản xuất tôm thịt, chế biến tôm xuất khẩu; sản xuất muối công nghiệp, trồng cỏ và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghiệp. Với các lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp như trên, doanh nghiệp của ông Thông giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 5.000 cán bộ, công nhân, trong đó chủ yếu ưu tiên lao động của địa phương. Theo ông Thông, hiện tại tôm là mặt hàng gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh  nhưng lại có thị trường tốt, có thể  xuất khẩu được vài tỷ USD mỗi năm.

img

Doanh nghiệp và người nuôi tôm đang chờ cú hích từ các ngành chức năng.   Ảnh: V.S

Ông Thông  tâm sự, các doanh nghiệp như ông cũng luôn xác định liên tục cải tiến lại quy trình, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi cách nuôi tôm cho phù hợp và cam kết trong sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Tuy nhiên, đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có quy hoạch thật cụ thể, đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch thủy lợi cho nuôi tôm, để ngành tôm phát triển bền vững. Hiện nay, môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm là do quy hoạch thủy lợi cũ chỉ xây dựng cho lúa, chưa có quy hoạch thủy lợi cho tôm nên nước sạch vào và nước thải ra vẫn bị lẫn lộn, từ đó dẫn tới dịch bệnh lây lan làm thiệt hại cho nhiều người nuôi tôm. “Trước vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và khô hạn, tôi cũng kiến nghị Nhà nước cần sớm tổ chức hội nghị cấp quốc gia về giải pháp nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn, phòng chống dịch bệnh…từ đó giúp cho người nuôi tôm có thêm kinh nghiệm để tránh được thiệt hại đáng tiếc xảy ra” - ông Thông cho biết.

Hội nghị Thủ tướng với DN ngày 29.4

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp năm 2016 vào ngày 29.4 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Hội nghị đưa ra thông điệp của Thủ tướng Chính phủ:  Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nội dung đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. 

H.D   

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Thông nói, doanh nghiệp đang rất “mệt mỏi” về vấn đề thanh tra, kiểm tra. “Thống kê cho thấy, hầu như tháng nào cũng có thanh tra tới doanh nghiệp và thanh, kiểm tra đủ các lĩnh vực như thanh tra lao động, thuế, phòng cháy chữa cháy, thanh tra môi trường… khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi. Trong quá trình hội nhập như hiện nay, Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất tốt hơn, các cuộc thanh, kiểm tra chỉ nên làm gộp lại để đỡ ảnh hưởng tới doanh nghiệp” - ông Thông đề xuất.

Theo ông Thông, điều quan trọng là Nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là phải giải quyết được chính sách đất đai và chính sách về vốn. “Chúng tôi phải thuê của Nhà nước cho sản xuất muối là 300 ha, trồng cỏ và chăn nuôi bò là 800 ha và nuôi tôm là 1.000 ha. Trong số các diện tích đất này, doanh nghiệp phải đầu tư khoảng vài trăm tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng nhưng khi mang đi thế chấp vay vốn ngân hàng thì các ngân hàng thương mại nói là không có giá trị gì do đất đó là đất đi thuê của nhà nước”- ông Thông bức xúc. Theo ông Thông, để có vốn đầu tư cho sản xuất thì doanh nghiệp phải thế chấp nhà máy, xe cộ, nhà cửa…

“Theo tôi, vấn đề này chỉ có Thủ tướng mới giải quyết được, còn riêng ngành nông nghiệp thì không thể giải quyết được do liên quan tới chính sách đất đai, chính sách tín dụng. Qua quý báo, cho tôi được kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng phải sớm thay đổi về cơ chế chính sách đất đai, chính sách tín dụng, đã cho doanh nghiệp thuê phải coi đó là tài sản thế chấp thì mới khơi thông được nguồn vốn, thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” - ông Thông kiến nghị.