Ông Nguyễn Đức Thắng-Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, CPI tháng 10 giảm mạnh là do trong tháng 10 có nhiều nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Cụ thể có 3 nhóm giảm so với tháng trước là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03%, nhóm giao thông giảm 0,13% và nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,17%.
So với tháng 12.2010, CPI 10 tháng đầu năm 2011 đã tăng 17,05%, gần chạm ngưỡng chỉ tiêu lạm phát cho cả năm 2011. Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10 này, mức độ tăng giá của khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn. Chỉ số tăng giá ở hai khu vực này lần lượt là 0,32% và 0,40%.
Có thể nói khi Hà Nội và TP.HCM, công bố CPI, các chuyên gia đã dự báo CPI của tháng 10 sẽ giảm mạnh, nhưng giảm chỉ còn 0,36% thì cũng "hơi bất ngờ" - một chuyên gia kinh tế cho biết. Thực tế hiện nay, giá nhiều mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua có giảm nhẹ so với trước, song nhóm rau xanh vẫn đứng ở mức cao, và đã có thời điểm trong tháng 10, giá rau tăng rất mạnh tới 30-50%.
Nhận định về xu thế lạm phát từ nay tới cuối năm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, rất khó để có thể khống chế lạm phát năm nay ở mức 18% mà Chính phủ muốn hướng tới. Vẫn còn một số yếu tố khiến giá cả có thể tăng vào cuối năm, mà trước tiên là do nhu cầu một số mặt hàng chuẩn bị cho Tết âm lịch, hoặc tác động của việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo vùng trong các loại hình doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu CPI cả năm 2011 là 18%, thì 2 tháng cuối năm mỗi tháng CPI chỉ “được phép” tăng khoảng 0,45% hoặc phải thấp hơn nữa.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh có vẻ lạc quan hơn khi cho rằng, mức tăng thấp của CPI tháng này cho thấy lạm phát cả năm vẫn có thể được kìm ở mức 18%. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục duy trì mục tiêu và giải pháp kiềm chế lạm phát đã đặt ra để khống chế giá cả tăng dịp cuối năm.
Mai Hương