Dân Việt

Cá chết trắng bờ biển miền Trung: Do nước biển nhiễm độc?

Tất Định 21/04/2016 16:05 GMT+7
Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển 4 tỉnh miền Trung bất thường, nhà khoa học khuyến cáo người dân không nên tắm biển ở vùng có cá chết.

img

Cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển 4 tỉnh miền Trung (ảnh: Gia đình & XH)

Nhiều ngày nay, tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đang xảy ra tình trạng cá chết dạt vào la liệt trên bờ biển. Không chỉ cá biển, ngay cá nuôi của nhiều hộ dân cũng chết hàng loạt.

Ngày 21.4, trao đổi với PV, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho hay, hiện tại có 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế thông tin về Bộ TN & MT về hiện tượng cá chết nhiều ở ven biển, chưa có thêm tỉnh nào báo cáo.

“Hiện tượng cá chết xảy ra ở các thời điểm khác nhau nhưng trên diện rộng là vấn đề rất nghiêm trọng, chưa từng xảy ra. Cá chết không chỉ tầng nước mặt mà cả tầng đáy. Đoàn kiểm tra của Bộ đang khảo sát ở 4 tỉnh để đánh giá mức độ và phạm vi ảnh hưởng”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cho hay, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước, xác cá chết ở 4 tỉnh để phân tích.

Trước thông tin cho rằng nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt do nước thải ô nhiễm xả ra từ một số khu công nghiệp ven biển Hà Tĩnh, ông Tùng nói: “Đó mới chỉ là suy đoán, cần có những kết quả nghiên cứu, phân tích nguồn nước, mẫu vật cá chết cụ thể từng khu vực, chúng tôi mới có thể kết luận được”.

Đại diện Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân không đem cá chết về ăn hoặc làm thức ăn cho gia súc.

Theo GS Mai Đình Yên, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về các loại cá, nguyên nhân cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển 4 tỉnh miền Trung có thể do nước biển bị nhiễm độc.

“Lần đầu tiên tôi thấy có hiện tượng cá biển chết nhiều như vậy ở Việt Nam. Một số loại cá kích thước lớn, sống ở tầng đáy, vốn ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi môi trường cũng chết rất nhiều. Nước thải từ nhà máy, nước ô nhiễm từ sông là nước ngọt sẽ nổi trên nước biển, khó chìm xuống đáy. Có thể nước biển nhiễm chất độc nặng, lắng xuống cả tầng đáy, ngấm vào thức ăn của cá”, GS Yên nói.

GS Yên nhận định ít có khả năng cá biển chết do biến đổi khí hậu, nếu do nguyên nhân này, hiện tượng cá chết sẽ xảy ra ở khu vực rộng hơn 4 tỉnh.

“Cá chết hàng loạt ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, môi trường sống của người dân ven biển. Tôi nghĩ Bộ Tài nguyên & Môi trường cần điều tra tận gốc nguyên nhân, mời các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn, tránh để xảy ra hiện tượng tương tự. Ở những khu vực có cá chết, cơ quan chức năng nên khuyến cáo người dân không nên tắm biển, đề phòng ảnh hưởng đến sức khỏe”, GS Yên cho hay.

Trước đó, ngày 20.4,  Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị của Bộ. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện tượng cá chết hàng loạt có nhiều lý do, trong đó không loại trừ nguyên nhân môi trường ô nhiễm, nên trách nhiệm của Bộ là phải đẩy nhanh tiến độ làm rõ nguyên nhân.