Tìm giống mới cho dân
Người dân trong xã ai cũng biết ông Khôi là người năng động, miệng nói tay làm và luôn nhiệt tình, trách nhiệm. Bà con đã quen với hình ảnh ông quần xắn móng lợn vào trại lợn nghe chủ trại kể về khó khăn; ra ao cá xem tình hình dịch bệnh; hỏi han tình hình giá cả...
Ông Lê Thế Khôi là hộ đầu tiên mạnh dạn đầu tư nuôi nhím, gà Đông Tảo, ba ba ở xã Hiệp Lực. Ảnh: Hồng Vũ
Ông Khôi tâm sự: “Vốn con nhà nông dân, được cấp ủy, bà con trong xã tín nhiệm trở thành Chủ tịch Hội ND nên tôi luôn nhắc nhở bản thân phải giúp họ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả để phát triển kinh tế. Làm được như vậy thì mới đưa phong trào thi đua nông dân làm kinh tế giỏi ở địa phương đi lên...”. Với phương châm hành động đó, đến nay, Hội ND xã mà ông Khôi là “thủ lĩnh” đã thành lập được câu lạc bộ (CLB) làm vườn, CLB nuôi cá nước ngọt, CLB chăn nuôi lợn để bà con cùng trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, hỗ trợ, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
"Trong năm tới, Hội ND sẽ chú trọng nhân rộng mô hình nuôi các con đặc sản như cá cảnh, trê lai, ba ba, kỳ đà, nhím để bà con có thu nhập cao hơn...”. Ông Lê Thế Khôi - Chủ tịch Hội ND xã Hiệp Lực |
Một điều đáng nhớ ở ông Khôi là cứ nghe, thấy ở đâu có giống cây trồng mới, vật nuôi đặc sản, có hiệu quả kinh tế, áng chừng phù hợp với đồng đất xã nhà là ông lại tới tham quan, học hỏi và tìm cách đưa về địa phương. Khi huyện hay tỉnh có các đề án xây dựng mô hình thử nghiệm giống mới ông hăng hái xin nhận để bà con làm…
Anh Nguyễn Đình Trường (thôn Hiệp Thọ) thổ lộ: “Ông Khôi là người đưa 10 cây ổi đầu dòng giống xá lị không hạt về trồng tại địa phương để làm nguyên liệu cho mô hình nhân giống cho Xí nghiệp Cây ăn quả và cây dược liệu Cầu Xe (Tứ Kỳ). Giống ổi này đã mở đầu cho phong trào trồng ổi tại địa phương...”. Hiện nay, xã Hiệp Lực có gần 50 ha trồng ổi, trung bình mỗi sào ổi thu về 15 triệu đồng/năm…
Người đầu tiên nuôi con đặc sản
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Chiên - Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực nhận xét: “Anh Khôi là người chịu khó, trong công việc cũng luôn gần gũi với hội viên, bà con nông dân nên dễ tuyên truyền, vận động, giải thích…Anh cũng là người đầu tiên xây dựng mô hình nuôi các con đặc sản…”.
Tận mắt chứng kiến mô hình trang trại chăn nuôi và cơ ngơi nhà cửa khang trang của ông Khôi mới thấy hết được sự năng động trong cách làm kinh tế của ông. Trang trại nằm cách xa khu dân cư đang dần hoàn thiện với các mô hình nuôi nhím, nuôi gà Đông Tảo, thả ba ba. Ông chia sẻ: “Hiện tôi đang tu sửa và mở rộng trang trại thử nghiệm nuôi các con đặc sản, nếu thành công thì sẽ nhân rộng các mô hình trên toàn xã. Mong muốn lớn nhất của tôi là làm sao để bà con nông dân tiếp cận gần nhất được với các mô hình chăn nuôi thực tế… Không gì bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc” để bà con “mắt thấy, tai nghe, tay làm...”.
Ông Khôi cũng cho biết, mỗi năm Hội ND xã đều kết hợp với các đơn vị có liên quan mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, thường xuyên tổ chức những đợt thăm quan học tập mô hình kinh tế mới, hiệu quả ở các địa phương bạn…