Muỗi Aedes aegypti, thủ phạm chính làm lây lan virus Zika và bệnh sốt xuất huyết
Mỗi năm, Việt Nam có hàng chục nghìn người mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) và mới đây, có 2 trường hợp nhiễm virus Zika ở Khánh Hòa Và TP Hồ Chí Minh. Theo khuyến cáo của WHO, hai bệnh trên đang là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu.
Trao đổi với phóng viên, GS. TS Đặng Đức Anh, Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, bệnh SXH đang là vấn đề y tế công cộng rất lớn. Bệnh gây dịch trên toàn quốc với số mắc hàng năm lên tới vài chục nghìn trường hợp.
Bệnh SXHD và virus Zika được lây truyền qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn), là loại muỗi hiện đang lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam. Loại muỗi này đóng vai trò trung gian truyền bệnh từ người bị nhiễm bệnh sang người khỏe mạnh.
Theo đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã hợp tác với các nhà khoa học của Australia nghiên cứu về vi khuẩn Wolbachia. Một loại vi khuẩn tồn tại sẵn trong tự nhiên và khi được gây nhiễm trên muỗi vằn, nó có khả năng khống chế sự phát triển của SXH và virus Zika.
GS Đức Anh cho hay, thử nghiệm muỗi mang vi khuẩn wolbachia trong những năm vừa qua có kết quả tương đối tốt. Sau gần 3 năm triển khai, muỗi mang vi khuẩn wolbachia vẫn phát triển, sinh sôi tốt trên đảo Trí Nguyên (Khánh Hòa). Theo ghi nhận, đến nay chỉ có 1 trường hợp mắc SXH duy nhất trên đảo Trí Nguyên, mặc dù, Khánh Hòa là 1 trong 5 tỉnh có số ca sốt xuất huyết cao nhất cả nước với trên 9.000 trường hợp mắc năm 2015.
“Khi thả muỗi mang vi khuẩn wolbachia ra tự nhiên, con muỗi đực mang vi khuẩn wolbachia sẽ giao phối với con muỗi cái không mang wolbachia, trứng đẻ ra sẽ không nở nên làm giảm số lượng muỗi vằn tự nhiên truyền bệnh. Trường hợp, các con cái mang wolbachia đẻ trứng thì thế hệ sau sẽ tự nhiên mang vi khuẩn wolbachia và có thể ức chế virus gây bệnh sốt xuất huyết và virus Zika. Biện pháp này sẽ mở ra một hướng mới về sinh học cho kiểm soát côn trùng truyền bệnh dịch sốt xuất huyết dengue và virus Zika” – GS Đức Anh nói.
Hiện tại các nhà khoa học Việt Nam và Australia vẫn đang tiếp tục theo dõi, phân tích và đánh giá kết quả nghiên cứu. Hy vọng nghiên cứu này thành công sẽ góp phần tích cực cho công tác phòng, chống SXH và virus Zika lây truyền qua muỗi Aedes aegypti ở nước ta trong thời gian tới.