Thực tế, việc phân phối lợi nhuận năm 2015, theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, tỷ lệ chi trả cổ tức là trên 9%. Tuy nhiên theo tài liệu gửi đến cổ đông tại Đại hội năm nay, mức chi trả đã giảm xuống còn 8,5%, thấp hơn kế hoạch đã đưa ra ban đầu. Hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tài liệu cũng cho thấy, đề xuất mức cổ tức dự kiến của năm 2016 sẽ là không dưới 7%.
Tại ĐHĐCĐ, cổ đông cũng chất vấn Hội đồng quản trị (HĐQT) BIDV về vấn đề này: “Lợi nhuận thuần cho cổ đông rất cao, so với nhiều ngân hàng mà họ còn chia 10% cổ tức. Vậy tại sao BIDV lại giảm xuống 8,5% mà lại trả bằng cổ phiếu, sao không trả bằng tiền mặt 9% rồi phát hành cổ phiếu sau?”
Một cổ đông khác chất vấn: “Kế hoạch 2016, lợi nhuận vẫn tăng, nhưng bản trình cổ đông, cổ tức chỉ còn không dưới 7%, như vậy ít quá. Cổ phiếu BID (của BIDV) trên sàn có giá trị, trong tương lai còn có thể lên hơn 30 nghìn đồng/cổ phiếu. Lợi nhuận BIDV còn cao hơn Vietcombank mà sao chia thấp hơn? Tóm lại, cổ tức năm 2015 nên ở mức 9% bằng tiền mặt, nếu bí thì nên chia làm 2 đợt chứ không phải chỉ ở mức 8,5% bằng cổ phiếu”.
Về vấn đề này, ban lãnh đạo BIDV chia sẻ, việc thực hiện chia cổ tức còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Sau khi sáp nhập với ngân hàng MHB, số lượng cổ phần BIDV tăng lên đồng nghĩa số lượng cổ phiếu chia cổ tức tăng lên nên sẽ khó giữ được mức cổ tức như ban đầu.
“Nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, việc thực hiện tăng vốn hơn 9.400 tỷ đồng trong năm nay sẽ rất khó. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là chỉ đạo của NHNN, ngân hàng sẽ dùng nguồn lực đó để tăng năng lực tài chính của ngân hàng.
Chúng tôi thấy mức 8,5% là phù hợp, không thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng 12 tháng, vẫn đảm bảo lợi ích của cổ đông đồng thời mong cổ đông thông cảm chia sẻ đóng góp với ngân hàng”, ban lãnh đạo BIDV phân trần.
Liệu quyết định bất ngờ “cắt giảm” cổ tức của BIDV liên quan đến khoản dư nợ của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Bầu Đức?
Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2015 của HAGL, trong số 27.099 tỷ đồng vay nợ ngân hàng, BIDV chiếm tỷ lệ lớn nhất với 10.664 tỷ đồng. Trong đó, cho vay ngắn hạn là 1.896 tỷ đồng, cho vay dài hạn là 2.868 tỷ đồng, còn lại là cho vay thông qua mua trái phiếu.
Theo đó, kiểm toán viên cho rằng HAGL đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trái phiếu, điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Với kết luận này, theo quy định trích lập dự phòng nợ xấu theo Thông tư 02 của NHNN, những khoản nợ của Bầu Đức tại các ngân hàng sẽ phải chuyển sang nợ xấu. Điều này chắc chắn tác động tới tỷ lệ nợ xấu của BIDV và có thể không còn giữ ở mức 1,62% hồi cuối năm 2015.
Trong buổi họp cổ đông, một cổ đông cũng chất vấn vấn đề này. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV giải thích: HAGL là một trong các đơn vị trả lãi sòng phẳng trong 20 năm qua. Các sản phẩm của HAGL liên quan đến khoản vay của HAGL là đường, cao su, cọ dầu dọc tuyến biên giới Việt Nam, Camphuchia với diện tích 50.000 ha. Các dự án này liên hệ chặt chẽ tới an ninh quốc phòng.
“Giá cao su dù giảm nhưng nếu bán đi tài sản thế chấp, BIDV hoàn toàn có thể thu hồi nợ. Hệ số tài sản đảm bảo/ dư nợ đạt tỷ lệ 1,8 lần. Giá trị tài sản đảm bảo là hơn 18 nghìn tỷ đồng (tổng dư nợ 10.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, HAGL có chậm trả lãi”, ông Hà khẳng định.
Ông Hà cho biết thêm các ngân hàng (10 chủ nợ) đều đồng loạt đưa ra phương án hỗ trợ. Thủ tướng Lào đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp trồng cao su tại Lào, Campuchia.
“Nếu bán toàn bộ, BIDV thu đủ nợ gốc và lãi nhưng nếu bán cần cẩn trọng. NHNN đang xem xét ở công đoạn cuối cùng”, ông Hà cho biết.