Tin đồn giả, thiệt hại thật
“Những năm gần đây có rất nhiều tin đồn về các loại thực phẩm bẩn và gây độc hại cho con người. Trong đó cũng có những tin đồn đúng nhưng cũng có nhiều tin đồn sai làm cho bà con nông dân phải lao đao. Tôi còn nhớ cách đây đã lâu có tin đồn quả vải ăn vào gây viêm màng não rồi sau đó là bưởi da xanh gây hại sức khỏe… Gần đây nhất là tin đồn đậu nành gây ung thư.
Sau đó, những tin đồn đó đều được xác định là sai nhưng thiệt hại hàng trăm tỷ của người ND là có thật. Và đương nhiên, không một cơ quan nào có trách nhiệm đứng ra xin lỗi hoặc cải chính. Mọi việc cứ trôi qua như mưa rơi trên trời xuống. Sau cùng vẫn là người ND gánh chịu tất cả thiệt thòi.
Tôi thực sự mong, các cơ quan thông tin đại chúng trước khi đưa ra bất cứ một thông tin nào đều phải có kiểm chứng thực tế của các nhà khoa học. Và nếu cơ quan nào đưa tin sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đề n bù thiệt hại cho nhà nông”.
(TS Trần Thị Hạnh - Viện Di truyền nông nghiệp)
ND ĐBSCL điêu đứng vì tin đồn dưa hấu dùng thuốc Trung Quốc. Ảnh Người lao động
Khổ cả người bán lẫn người mua
“Hiện tại có nhiều tin đồn thất thiệt về các sản phẩm nông nghiệp khiến cả người mua và người bán đều hoang mang. Người mua thì không biết chọn loại nào, người bán thì khổ vì không bán được sản phẩm. Nhưng bức ảnh, những clip được đăng tải khắp nơi trên mạng xã hội càng tăng thêm sự hoang mang cho người dân.
Theo tôi các nhà quản lý và cơ quan khoa học cần có biện pháp ngay. Chúng ta phải có được những loại máy đo có thể xác định được thực phẩm độc hay không và độc ở cấp độ nào để cho những mặt hàng tốt của người nông dân vẫn được thông thương. Tránh hiện tượng những mặt hàng sạch bị mang tiếng oan, gây thiệt hại cho người ND chân chính. Phía các nhà quản lý cũng phải có cơ cấu đăng ký hàng thương hiệu để những mặt hàng chất lượng được mọi người biết đến. Những thương hiệu nổi tiếng sẽ được mọi người tìm mua”.
(GS.TS Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học)
Rất ít trường hợp bị xử lý
“Người có hành vi tung tin đồn thất thiệt về thị trường có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự về “Tội vu khống” hoặc “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 7 năm. Vì thiếu hiểu biết, thích giật gân nên không ít người đã tung tin thất thiệt mà không ý thức được rằng đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có khi chỉ vì một thông tin sai mà đẩy hàng ngìn người nông dân đến chỗ sạt nghiệp. Nhưng rất tiếc hành vi này ít bị xử lý. Các cơ quan pháp luật cần mạnh tay, nghiêm trị”.
(Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật Đại Nam)
Người ND Quảng Ngãi chặt chuối cho bò ăn vì không bán được do tin đồn. Ảnh VnEpress
Nông dân điêu đứng
“Gần đây trên mạng xã hội chúng ta thấy xuất hiện tin đồn thất thiệt đối với sản phẩm nông nghiệp. Có thể nói trước những thông bịa đặt được lan truyền trên một số trang điện tử, mạng xã hội đã gây thiệt hại vô cùng lớn, làm cho đời sống cho nông dân nhiều tỉnh thành trong cả nước nhiều điêu đứng. Tôi thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải có trách nhiêm và các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm soát và xử lý những kẻ tung tin xấu, tin thất thiệt tránh các hệ lụy tiêu cực cho xã hội ngày càng nghiêm trọng".
(Bạn đọc Lê Viết Dũng, Khoái Châu, Hưng Yên)
Xử lý thật nghiêm
“Nhiều siêu thị đã ký kết với người trồng trọt, chăn nuôi thực phẩm sạch cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn nghi ngại, khiến thực phẩm sạch không tiêu thụ được. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nghi ngại này xuất phát từ những tin đồn vô căn cứ khiến người kinh doanh và nông dân bị thiệt hại. Do đó cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm những người tung tin thất thiệt và phải kết luận sớm thông tin đó là sai, sau đó thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có như thế nông dân và người kinh doanh mới tránh được thiệt hại.
(Bạn đọc Phạm Thị Hạnh (nhân viên Siêu thị T-Mark, Đại Kim, Hà Nội)