Dân Việt

Bắt tạm giam dân rồi nhận sai, chuyện khó hiểu ở Đồng Nai

Hoàng Linh 25/04/2016 06:30 GMT+7
Nếu biết lắng nghe tiếng nói người dân, cơ quan công quyền đã không truy tố hình sự ông chủ quán Xin Chào hay bắt tạm giam chị Ánh Ngọc.

Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc- một người dân nuôi tôm ở ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) -người phụ nữ được truyền thông xem như người hùng vì không lùi bước trước cường quyền tại lâm trường phòng hộ Long Thành, ngày 19.4 vừa qua, đã bị bắt về hành vi chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau, ngày 24.4, Viện Kiểm sát nhân dân Nhơn Trạch, cơ quan ký lệnh bắt tạm giam chị Ngọc lại tổ chức một buổi “nhận sai” và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của chị. Trước đó, ngày 23.4, chị đã được trả tự do. Thật là khó hiểu.  Không biết trước khi ký lệnh bắt tạm giam, các cơ quan công quyền có muốn lắng nghe người phụ nữ đáng thương này giãi bày tâm tư nguyện vọng?

Ngược thời gian một chút, chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc được cả nước biết từ vụ chị bị bảo vệ lâm trường bắt trói, đánh đập, phá tài sản và vụ việc đang được điều tra. Theo lời chị Ngọc và các nhân chứng,  chị được ủy quyền ký hợp đồng giao khoán nuôi trồng thủy sản ở đoạn rạch Ông Trúc. Ban đầu, mối quan hệ giữa chị với các nhân viên bảo vệ rừng rất tốt. “Khi đó họ thường ghé chòi tôm tôi chơi bình thường. Nhưng gần đây chứng kiến nạn cát tặc hoành hành ở khu vực rạch Ông Trúc, tôi chụp ảnh làm chứng cứ rồi gửi đơn tố cáo đến các cấp. Trong đơn, tôi có nói rằng lực lượng bảo vệ rừng đã không làm tròn trách nhiệm, thả nổi cho cát tặc, không đứng về phía dân bảo vệ môi trường thì họ vào vây ráp rồi đánh tôi. Chuyện tôi xây chòi giữ tôm vi phạm chỉ là cái cớ. Nếu tôi sai, Nhà nước phải lập biên bản, nếu cưỡng chế phải có quyết định, đằng này họ lấy cái cớ đó để khủng bố tinh thần, đánh đập gia đình tôi” - chị Ngọc nói.

 Trong giấy mời chị Ngọc lên làm việc của công an huyện Nhơn Trạch Đồng Nai cũng ghi là làm việc về vụ bảo vệ lâm trường trói chị Ngọc, nhưng đúng ngày 19.4 khi lên công an, chị Ngọc lại bị bắt tạm giam 2 tháng, lệnh bắt có phê chuẩn của Viện Kiểm sát huyện Nhơn Trạch.

 Về  lý do bắt chị Ngọc trong lúc vẫn đang điều tra vụ nhân viên bảo vệ rừng đánh người, hủy hoại tài sản của chị, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch cho truyền thông biết, viện vẫn đang điều tra theo tin tố giác tội phạm trong vụ việc nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành có hủy hoại tài sản của bà Ngọc hay không.

"Lý do bắt bà Ngọc vì liên quan trong một vụ chống người thi hành công vụ đã được công an thu thập, lập hồ sơ xác minh. Theo điều tra, đầu tháng 9.2015 công an lập biên bản ghe hút cát trên sông Thị Vải đưa vào bờ nhưng bà Ngọc cản trở nên công an đề nghị bắt để điều tra" – đại diện Viện kiểm sát cho biêt.

 Công luận không tin lắm cách giải thích này, các luật sư nói rằng vì sao hành vi của chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc xảy ra tận tháng 9.2015 mà đến giờ mới khởi tố, dễ bị người dân hiểu đây là vụ “trả đũa”.

 Cả về tình về lý đều không thuyết phục được ai, phải chăng chuyện này là nhằm bịt miệng những ai có ý định tố cáo chuyện làm ăn đen tối của các nhóm lợi ích xung quanh cái rừng phòng hộ đầy tài sản thiên nhiên này?

img

Chị Ánh Ngọc (giữa) trong vòng tay con gái khi được thả khỏi trại tạm giam.   (ảnh Tuổi trẻ)

Cuộc đời chị Ngọc cùng chồng là anh Đỗ Kỳ Phong thuê đất rừng để mở đất, nuôi trồng cũng như câu chuyện của tiền nhân đã đến mảnh đất Đồng Nai này để mở cõi, trăm bề khó khăn.  Khi chị bắt đầu tố cáo các hành vi sai trái của lâm trường thì họ bắt đầu ra tay, lấy cái cớ là chị Ngọc xây dựng trái phép.

 Chị Ngọc cho biết: “Tôi xây cái chòi nhỏ bằng ximăng giữa đùng nuôi tôm. Bảo vệ rừng không đồng ý rồi liên tục kéo vào chòi gây áp lực, chửi mắng, khủng bố tinh thần gia đình tôi”.

 Theo chị Ngọc, trước khi chị bị hành hung, nhiều người lạ mặt và có người mặc đồng phục bảo vệ rừng đi vào chòi giữ tôm của chị đòi dỡ nhà, sau đó đập gãy cột hiên. Chị phải nhờ đến công an can thiệp. Sáng 26.2, Công an xã Phước An cử người đến lấy lời khai của chị rồi đi về. Sau khi công an xã vừa rời đi thì có khoảng 15 người mặc đồng phục bảo vệ rừng xông vào nhà đòi phá chòi tôm. “Tôi cự cãi thì những người mặc đồ bảo vệ rừng khống chế trói cha tôi rồi đánh tôi” - chị nói.

Khi câu chuyện mới bùng lên, báo chí đứng về phía gia đình người nông dân thuê đất nuôi tôm , gây sức ép để cơ quan pháp luật làm rõ hành vi sai trái của nhân viên lâm trường. Làm rõ tới đâu chưa thấy nhưng chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc đã bị bắt về một hành vi mà các vị luật sư gọi là “mơ hồ, khó hiểu”.

 Tôi muốn nói đến vấn đề chung nhất hơn là thái độ của cơ quan công quyền đối với người dân.

 Hiện nay cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là nông dân, đối mặt với hạn hán, thiên tai, thực phẩm bẩn, đầu ra của sản phẩm nuôi trồng đều khó khăn…rất cần sự thông cảm, thấu hiểu của chính quyền. Nhưng với vai trò của người hưởng lương bằng thuế của người dân lẽ ra phải phục vụ người dân, doanh nghiệp vô điều kiện như cách nói của ông Đinh La Thăng- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM thì nhiều nơi lại đối xử như ông chủ với dân như vụ chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc hay vụ hình sự hóa quán cà phê, phở Xin Chào ở Bình Chánh.

 Chỉ là tiếng thở dài thôi, nếu biết lắng nghe tiếng nói người dân, cơ quan công quyền đã không quá máy móc khi truy tố hình sự ông chủ quán cà phê phở Xin Chào, không đập phá tài sản và đưa chị Ánh Ngọc vào con đường hình sự không lối thoát về một hành vi xảy ra đã lâu và mơ hồ.

 Tin tức rất tích cực và làm người dân vui mừng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu dừng ngay “vụ hình sự hóa quán cà phê Xin Chào”. Ông Tấn chủ quán đã được hủy bản án.

Và liệu có phải nhờ “hiệu ứng” từ vụ ông Tấn, ngày 24.4, tuy là chủ nhật nhưng Viện Kiểm sát Nhơn Trạch vẫn tổ chức một buổi gặp gỡ “nhận sai” và cho biết sẽ đình chỉ vụ án. Đại diện công an huyện hứa sẽ xử lý nghiêm những gì mà quá trình điều tra viên làm sai dẫn đến việc bắt tạm giam chị.

Hy vọng vụ việc của chị Ngọc rồi cũng sẽ được đòi lại công bằng, như vụ việc của ông Tấn, để rồi từ đó, cái nhìn của người dân về các cơ quan công quyền gây oan sai sẽ bớt đi phần nào sự bức xúc.