Sáng 25.4, hàng trăm nông dân trồng thanh long và lúa ở hai huyện Châu Thành - Tân Trụ (Long An) đã tham dự Chương trình “Bác sỹ Nông học” lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam. “Bác sĩ nông học” là chuỗi chương trình tương tác giữa bốn nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà nông – doanh nghiệp), gồm các hoạt động chính là khảo sát thực địa, phân tích mẫu và Hội thảo khoa học để cùng tìm giải pháp thực tiễn cho các vấn đề trong canh tác nông nghiệp. Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Cục Trồng trọt, Viện lúa ĐBSCL,Viện Cây ăn quả miền Nam, các Sở NN&PTNT, Trung tâm khuyến nông, Hội nông dân các địa phương và Tổng Công ty Phân bón Hóa chất và Dầu khí (PVFCCo) cùng phối hợp thực hiện.
TS Mai Thành Phụng giới thiệu máy đo độ mặn có giá 70.000 đồng.
Mục tiêu của chương trình năm 2016 được tập trung vào việc tìm ra các biện pháp thích hợp nhằm ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là đối với hai loại cây trồng chủ lực tại khu vực này là lúa và cây ăn quả.
Tại hội thảo, hàng chục câu hỏi liên quan đến hạn mặn, bệnh trên cây trồng đã được các “Bác sĩ Nông học” - đồng thời cũng là các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu hiện nay như TS Chu Văn Hách, TS Mai Thành Phụng, TS Trần Văn Hai, ThS Nguyễn Ngọc Anh Thư giải đáp ngay tại chỗ. Chương trình cũng cung cấp số điện thoại của các chuyên gia để nông dân có thể hỏi bất cứ khi nào gặp rắc rối.
Tại hội thảo, nhiều nông dân khá bất ngờ trước thông tin dụng cụ đo độ mặn chỉ có giá 70.000 đồng; giấy đo độ PH chỉ có giá 8.000 đồng/hộp/80 miếng. “Mỗi lần đo PH chỉ tốn 100 đồng. Còn máy đo thì giá rất rẻ, bán ở Cần Thơ” - TS Mai Thành Phụng nói.