Đến 25.4, tình trạng cá chết vẫn xuất hiện rải rác ở một số xã ven biển của Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Đình Vin, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) cho biết, số lượng cá chết thu gom trên địa bàn sáng nay chỉ khoảng vài kg, gồm cá hanh, đục, vược. Nhiều con có biểu hiện yếu, bơi lờ đờ trên mặt nước.
Tại Quảng Bình, nhiều người dân đi tắm biển ở phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) cho biết “có nhiều con cá từ vài lạng đến cả kg, mới chết bị dạt lên bờ”. Còn tại xã ven biển Bảo Ninh (TP Đồng Hới), đến hôm nay vẫn còn rải rác cá chết sống ở tầng đáy gần bờ dạt vào, chủng loại như những ngày trước, gồm: cá phèn, đục, liệt, thiều, mú, hồng, đuối...
Rắc vôi bột, xử lý hóa chất trước khi chôn lấp cá biển chết. Ảnh: Hoàng Táo
Về cách xử lý cá chết, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch xã Bảo Ninh cho biết, xã chủ yếu vận động bà con sống ven biển tự chôn lấp để đảm bảo vệ sinh môi trường. “Một số người dân mang về làm phân bón, số cá chết quá lâu thì bà con tự chôn ở bãi biển, gốc cây”, ông Hiếu nói.
Huyện đoàn Quảng Ninh (Quảng Bình) huy động 500 đoàn viên, chỉ trong một ngày thu gom 1,5 tấn cá chết ở bờ biển xã Hải Ninh. Số cá này được đào hố, xử lý vôi bột và chlorine trước khi chôn lấp.
Tại xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chính quyền đã cử người đi nhặt cá dạt bờ, đào hố chôn ở những cồn cát gần bờ biển. "Hố sâu 80 cm, rộng 50-60 cm. Chúng tôi đã chôn tổng cộng khoảng 5-7 tạ cá, khi chôn thì rải vôi để khử độc. Vị trí chôn sóng biển không thể đánh tới, do đó không lo ngại về tình trạng xói lở", ông Nguyễn Đình Vin, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam nói.
Phần lớn cá chết chôn lấp gần bờ biển, do người dân tự thực hiện. Ảnh: TN
Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đều có văn bản chỉ đạo địa phương tổ chức lực lượng thu gom, tiêu hủy tránh làm ô nhiễm môi trường, vận động nhân dân không thu gom cá chết về làm thực phẩm, bán hoặc làm mắm muối. Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Trị hướng dẫn các địa phương xảy ra tình trạng cá biển chết chọn khu cách ly, đào hố chôn và tiêu hủy bằng hóa chất như chlorine, formol, thuốc tím, vôi bột…
Thực tế những văn bản này được ban hành sau cao điểm cá chết 2-3 ngày nên một số rất lớn cá được người dân tự thu gom, chôn lấp thủ công ngay tại bãi biển. Một ngư dân tại thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) bày tỏ nghi ngại cá chết được chôn lấp ngay tại bãi biển, trong đất cát thì chất độc và nước thải có thể thấm ngược trở lại biển một cách nhanh chóng.
Khoảng ba tuần qua, dọc bờ biển Hà Tĩnh xảy ra hiện tượng cá nuôi và cá tự nhiên trên biển chết hàng loạt. Hiện tượng bất thường này sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Thống kê của tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 10 tấn cá biển chết, Quảng Trị khoảng 30 tấn, trong khi tỉnh Quảng Bình chưa có con số cụ thể.
Nhiều người dân và một số nhà khoa học đặt nghi vấn về hệ thống xả thải của dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), tuy nhiên phía Formosa bác bỏ nghi vấn này vì cho rằng cá gần khu xả thải vẫn sống. Tại cuộc làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chiều 23/4, đại diện lãnh đạo các Bộ, tỉnh đều đưa ra giả thiết nguyên nhân cá chết hàng loạt là do độc tố rất mạnh từ môi trường.