Dân Việt

Lãi to từ các cây trồng chịu hạn

Trần Thế 26/04/2016 06:17 GMT+7
Trước tình trạng nắng nóng và xâm nhập mặn đang gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, một số địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Phạm Minh Đạo - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, năm nay ảnh hưởng của hiện tượng El Nino ở Đồng Nai khá nặng nề, khiến nhiều vùng bị thiếu nước sản xuất, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân và địa phương. Để đối phó với tình trạng trên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hết sức cần thiết và phải tính toán làm ngay.

Hối hả chuyển đổi

Ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng trạm BVTV huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho biết, trước tình hình hạn, xâm nhập mặn ở TP.HCM đang có chiều hướng phức tạp, và để thích ứng với biến đổi khí hậu, Trạm BVTV huyện đã khuyến cáo nông dân nên chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, sử dụng các giống lúa 0M 6162, 6677, 5451… có thời gian sinh trưởng 75 – 100 ngày để gieo sạ.

img Ông Võ Thanh Bình (ấp 6, xã Bàu Cạn, Long Thành, Đồng Nai) ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống cho vườn tiêu. Ảnh: T.T

Để tiết kiệm nước tưới, nông dân xã Lê Minh Xuân đã chuyển khoảng 10ha đất trồng lúa sang trồng sả nguyên liệu chế biến tinh dầu sả cung cấp cho doanh nghiệp. Một số nông dân xã Quy Đức còn hạ thấp trên 4ha đất mặt ruộng trồng lúa vụ hè thu để chủ động độ ẩm cho lúa phát triển. Ông Trần Ngọc Vũ – Phó Chủ tịch UBND xã Qui Đức cho biết, năm 2016 đã xã có kế hoạch vận động nông dân trồng chanh trên đất trồng lúa để đối phó hiệu quả với hạn, xâm nhập mặn.

 Hiện TP.HCM vẫn còn nhiều khu vực có đất sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích sản xuất vụ hè thu khoảng 21.670ha, gồm 5.300ha lúa và 16.370ha cây trồng khác. Sở NNPTNT TP.HCM đang khuyến cáo các địa phương và nông dân chuyển dần sang các cây, con khác cần ít nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, tại huyện Tân Phú (Đồng Nai) một số nông dân cũng chuyển đất lúa sang trồng xoài Thái, xoài cát Hòa Lộc để thích ứng với hạn ngày càng khốc liệt. Từ 5ha đất trồng lúa kém hiệu quả, anh Vũ Văn Sử (ấp Đồng Tra, Thanh Sơn) đã thuê mướn nhân công be bờ để trồng xoài rồi dần mở rộng diện tích lên 17ha. Anh Sử cho biết, so với việc trồng lúa hằng năm phải đối diện với nguy cơ thiếu nước, mất mùa, chuyển sang trồng xoài cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

Đây là năm thứ 3 vườn xoài nhà anh cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt 5 - 6 tấn/ha. Thời điểm đầu mùa, thương lái vào tận ruộng thu mua giá 25.000 đồng/kg xoài cát Hòa Lộc, 23.000 đồng/kg xoài Thái, anh Sử thu về không dưới 1,5 tỷ đồng.

Còn ở huyện Thống Nhất, vài năm gần đây nhờ chuyển sang trồng đậu phộng (lạc) trong vụ đông xuân, hàng trăm hộ nông dân ở 3 xã Gia Tân 2, Gia Tân 3 và xã Lộ 25 có thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Những diện tích trồng đậu phộng giống mới được khẳng định là mô hình chống hạn hiệu quả trong nhiều năm gần đây tại huyện Thống Nhất.

Việc cần làm ngay

Theo báo cáo của UBND TP.HCM về phòng chống hạn, xâm nhập mặn vụ đông xuân năm 2016 và cấp nước sinh hoạt năm 2016 tại địa phương, đầu tháng 4, độ mặn đo được tại mũi Nhà Bè trên sông Đồng Nai cao nhất đến 12,24 phần nghìn (năm ngoái 9,08 phần nghìn), tại vùng Thủ Thiêm trên sông Sài Gòn độ mặn cao nhất 5,09 phần nghìn (năm ngoái 3,7 phần nghìn), tại phà Cát Lái độ mặn cao nhất cũng lên đến 8,10 phần nghìn (năm ngoái 5,37 phần nghìn).

Hiện, TP.HCM vẫn còn nhiều khu vực có đất sản xuất nông nghiệp như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, quận 9, 12, Bình Tân… với tổng diện tích sản xuất vụ hè thu khoảng 21.670ha, gồm 5.300ha lúa và 16.370ha cây trồng khác. Sở NNPTNT TP.HCM đang khuyến cáo các địa phương chuyển dần sang các cây, con thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Đồng Nai như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ…, trước thực trạng các hồ nước khô hạn,  từ vài tháng nay, Sở NNPTNT Đồng Nai đã chỉ đạo các trạm thuỷ lợi tăng cường bơm nước sông lên chống hạn cho hàng ngàn ha lúa và hoa màu. Dự kiến, các trạm bơm này vẫn phải hoạt động hết công suất từ nay đến giữa tháng 5, khi mùa màng của bà con thu hoạch xong. Như vậy, có thể thấy, nếu không tính toán để thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thì không chỉ năm nay mà các năm tiếp theo sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người nông dân vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Theo ông Phạm Minh Đạo, đối với diện tích lúa và hoa màu chịu ảnh hưởng của hạn hán, ngành nông nghiệp phải tính toán và tư vấn cho bà con chuyển đổi sang cây công nghiệp ngắn ngày, cây cần ít nước tưới nhưng vẫn đảm bảo năng suất và lợi nhuận. Đối với diện tích bị xâm nhập mặn cũng phải chuyển đổi trồng những loại cây phù hợp với chất đất nhiễm mặn, hoặc chuyển sang nuôi các loại thuỷ hải sản nước mặn.