Tại buổi làm việc, Đại tá Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, qua thống kê của Quản lý thị trường tính đến tháng 10.2015 cả nước có hơn 16.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng phân bón. Đến hết năm 17.7.2015, có 1.700 sản phẩm phân bón vô cơ được công bố hợp quy.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Công Thương chưa tiến hành tranh kiểm tra đợt nào do Cục Hóa chất chưa có bộ phận thanh tra còn Bộ NNPTNT mới tiến hành thanh, kiểm tra 4 tỉnh, qua đó cho thấy, công tác thanh, kiểm tra kinh doanh phân bón còn lỏng lẻo.
“Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo cần lập lại trật tự kỷ cương sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu phân bón, qua đó rút kinh nghiệm về công tác quản lý và điều chỉnh các chế tài cho hợp lý”, ông Thái nói.
Toàn cảnh hội nghị
Ông Thái cũng cho biết, Bộ Công Thương cho biết đã cấp phép 67 doanh nghiệp (cả cũ và mới theo Nghị định 42 về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp) với hơn 900.000 người tham gia bán hàng đa cấp. Có hơn 9.000 sản phẩm được đưa vào bán hàng đa cấp trong đó trên 80% là thực phẩm chức năng, trên 10% là mỹ phẩm, còn lại là máy móc chăm sóc sức khỏe, quần áo và hàng tiêu dùng khác.
Cùng chung nhận định trên, ông Trần Hùng – Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, qua đấu tranh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhận thấy rằng, vùng rất quan trọng là khu vực nông thôn nơi chịu nhiều tổn thương nhất nên cần triển khai phối hợp với T.Ư Hội nông dân Việt Nam để phòng chống phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi và vấn đề bán hàng đa cấp…
“Tôi đề nghị phải “đánh mạnh” phân bón giả, phải đặt vấn đề ai chịu trách nhiệm về tình trạng này? Trước đây là Bộ NNTPTN chịu trách nhiệm chính nhưng hiện tại chia ra 2 bộ Công Thương và Bộ NNPTNT. Từ khi có 2 bộ quản lý lại càng lỏng lẻo hơn. Ngoài ra, còn một “vấn nạn” nữa là bán hàng đa cấp, nhiều đối tượng lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, tàn phá ghê gớm hàng triệu hội viên ở khu vực nông thôn. Đây là buông lỏng quản lý, thiếu sự phối hợp của các bộ, ban ngành nên chúng tôi rất muốn phối hợp với T.Ư Hội Nông dân VN để bảo về người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất chân chính”, ông Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch T.Ư Hội nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn chia sẻ, chẳng có nơi nào lại cấp phép dễ dãi như ở Việt Nam. “Một đất nước có tới hàng nghìn công ty sản xuất, kinh doanh phân bón, trong đó nhiều công ty kinh doanh phân bón có sản phẩm chỉ toàn là đất hoặc là phân bón kém chất lượng chưa được kiểm soát, mua ở nước ngoài về rồi đóng gói bán với giá trên trời cho người dân. Trong khi đó, vấn đề quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, không loại trừ có cả lợi ích nhóm”, Chủ tịch Hội NDVN nhận định.
Ông Lại Xuân Môn cũng cho rằng, trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, nước ta tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do như ASEAN, TPP… nông sản phải cạnh tranh quyết liệt, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ảnh hưởng trực tiếp tới sản phẩm, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của bà con nông dân.
“Tới đây, chúng tôi đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu để Hội Nông dân vào cuộc, vì chúng tôi đại diện cho giai cấp nông dân, là đối tượng sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi”, ông Lại Xuân Môn nói.
Liên quan tới vấn đề bán hàng đa cấp, ông Lại Xuân Môn cũng cho rằng, rất nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo người nông dân nên phải xử lý dứt điểm, đặc biệt là phải xử lý người đứng đầu địa phương nơi để xảy ra tình trạng đa cấp trái phép diễn ra tràn lan.
“Vụ việc nghi có tình trạng làm phân bón giả tại Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong tôi đã giao cho Ban Kiểm tra của T.Ư Hội nông dân VN và Báo NTNN vào cuộc. Nếu phát hiện đúng có sai phạm, chúng tôi sẽ đề nghị xử lý nghiêm và tuyên truyền cho bà con nông dân. Nếu thực sự có tình trạng sản xuất phân bón giả phải tẩy chay ngay”, ông Lại Xuân Môn nói. |