Dự án cải tạo quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT dài 46 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc với vận tốc tối đa 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án là 4.154 tỷ đồng, sau gần hai năm triển khai, đến nay đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để khai thác.
Theo ông Ngô Thành Long, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang (nhà đầu tư), từ ngày 25/4, đơn vị bắt đầu phát vé thu phí thử nghiệm trên tuyến. Sau 10 ngày thử nghiệm, dự kiến 5/5 tuyến đường bắt đầu thu phí. Mức phí thấp nhất là 35.000 đồng với xe dưới 12 chỗ, cao nhất là 200.000 đồng với xe container trên 40 feet.
"Phương án thu phí trên tuyến đường này đã được Bộ Tài chính phê duyệt vào tháng 2/2016. Sau 3 năm, chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh mức phí dự án theo chỉ số CPI cả nước", ông Ngô Thành Long cho biết.
Tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp. Ảnh: Xuân Hoa
Dự án BOT quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long được Công ty Cổ phần Phát triển Đại Dương (nhà đầu tư) kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh mức thu phí từ ngày 1/6 tới đây để hoàn vốn cho dự án.
Cụ thể, mức phí đối với phương tiện đoạn Uông Bí - Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ tăng lên cao nhất là 200.000 đồng/lượt xe trên 40 feet, thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ. Hiện nay mức cao nhất là 160.000 đồng, thấp nhất là 30.000 đồng.
Theo đại diện Công ty Đại Dương, dự án này dự kiến tăng theo lộ trình từ 1/1/2016, song cuối năm 2015, Bộ Giao thông đã có văn bản đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến ngày 1/6. Do đó, trạm thu phí BOT quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long theo hợp đồng đã ký sẽ tăng phí từ thời điểm này.
Cùng thời điểm sau tháng 6, tuyến cao tốc huyết mạch cửa ngõ phía nam thủ đô Hà Nội là Cầu Giẽ - Ninh Bình dự kiến tăng phí từ 1.500 đến 2.000 đồng/km với xe tiêu chuẩn. Theo đại diện chủ đầu tư cao tốc, đơn vị đang tính toán mức phí phù hợp với từng loại xe để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp làm đường.
Đề cập các dự án BOT xin tăng phí, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, các dự án BOT được thu phí mới hay tăng phí đều theo phương án tài chính, lộ trình đã được phê duyệt. Phương án hoàn vốn nhà đầu tư theo nguyên tắc cứ 3 năm điều chỉnh một lần theo tốc độ tăng của CPI bình quân của 3 năm đó. Các năm qua, có nhiều dự án đã không tăng phí vì chỉ số CPI không tăng.
Ngoài ra, một số đơn vị xin tăng do đầu tư cải tạo lớn như tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, song Bộ Giao thông đã yêu cầu sau ngày 1/6 mới tính toán cho tăng phí.