Dân Việt

"Thành tích" hủy hoại môi trường của Formosa trên khắp thế giới

Theo Hồng Duy 26/04/2016 17:30 GMT+7
Năm 2009, Tập đoàn Formosa bị trao giải “Hành tinh đen” vì các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ.

Quỹ Ethecon, một tổ chức môi trường của Đức, bình chọn Tập đoàn Formosa Plastics (tập đoàn mẹ của Formosa Việt Nam) và đội ngũ lãnh đạo chóp bu cho giải “Hành tinh Đen 2009” vì những “thành tích” trong lĩnh vực tàn phá môi trường. Ethecon bắt đầu trao giải “Hành tinh Đen” trao từ năm 2006, 2 năm sau khi tổ chức này đưa ra giải “Hành tinh Xanh” để tôn vinh những hành động bảo vệ môi trường.

img

Nhà máy của Tập đoàn Formosa Plastics ở Đài Loan. Ảnh: Reuters

Tháng 11.2009 tại Berlin, Ethecon chính thức xướng tên tập đoàn công nghiệp của đảo Đài Loan, Trung Quốc cho danh hiệu tàn phá môi trường của năm. Gia đình Wang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lee Chih Tsuen và các giám đốc điều hành của tập đoàn hóa học đa quốc gia Formosa Plastics cũng bị bêu tên.

Lịch sử phát triển của Formosa Plastics

Tập đoàn Formosa Plastics là một công ty nhựa của đảo Đài Loan và có trụ sở chính trên đảo này. Hoạt động sản xuất ban đầu của nó là chế tạo nhựa PVC và các sản phẩm nhựa trung gian khác. Tuy nhiên, công ty ngày càng lớn mạnh nên Formosa Plastics mở rộng hoạt động sản xuất sang các lĩnh vực khác như chế tạo thép, hóa chất, công nghiệp ôtô....

Doanh nhân có ảnh hưởng Wang Yung Ching thành lập Tập đoàn Formosa Plastics năm 1954 với khoản vay ưu đãi 798.000 USD từ chính phủ Mỹ. Ban đầu, Formosa Plastics đặt nhà máy ở Cao Hùng, Đài Loan và bắt đầu các hoạt động sản xuất vào năm 1957. Vào năm 2005, đây là tập đoàn sản xuất nhựa lớn nhất tại Đài Loan.

Tập đoàn Formosa Plastics duy trì các công ty con ở khắp Đài Loan và trên thế giới. Chúng hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực như hóa học, công nghệ sinh học, điện tử, mỹ phẩm, dược phẩm và chế tạo phụ tùng ôtô.

img

Khói bốc lên từ một nhà máy của Formosa, một trong 10 doanh nghiệp ô nhiễm nhất trên đảo Đài Loan. Ảnh: Getty

Năm 1978, tập đoàn này chính thức xâm nhập thị trường Mỹ và lập nhà máy sản xuất cách trụ sở nửa vòng trái đất. Từ công ty con ban đầu trên đất Mỹ, Formosa đã có 4 công ty nhỏ hơn chuyên về hóa chất và hóa dầu ở Thành phố Delaware, bang Delaware; Thành phố Illiopolis, Illinois; Baton Rouge, bang Louisiana và Point Comfort, bang Texas.

Nhà sáng lập Formosa là người gốc Nhật Bản nhưng xây dựng được đế chế kinh doanh rộng lớn ở Đài Loan. Wang qua đời năm 2008, cùng năm tạp chí Forbes danh tiếng xếp ông là người giàu thứ 178 trên thế giới với tài sản 5,5 tỷ USD. Hiện tại, gia đình Wang vẫn quản lý Formosa nhưng chủ tịch tập đoàn là Lee Chih Tsuen.

Hồ sơ ô nhiễm cộm cán

Quỹ Ethecon đã nêu ra những hành vi tàn phá môi trường khiến Formosa được trao giải “Hành tinh Đen” năm 2009. Theo Ethecon, lịch sử phát triển của Formosa gắn liền với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Trong khi thế giới đang cố gắng giảm thiểu sản lượng nhựa PVC vì các lý do sinh thái, Formosa lại tận dụng điều này để gia tăng sản xuất. Họ sẵn sàng phớt lờ các cảnh báo, bao gồm cả quy định của chính quyền đảo Đài Loan về nhựa PVC.

Tại nhiều nơi trên thế giới, các nhà máy của Formosa trở thành mối đe dọa với môi trường và người dân sống xung quanh. Năm 1999, Tập đoàn Formosa Plastics bị phát hiện xả 3.000 tấn chất độc hại ra thị trấn ven biển Sihanoukville của Campuchia. Theo New York Times, điều tra của Bộ Môi trường Campuchia cho biết Formosa đã nhập khối chất thải này và đưa đến Sihanoukville từ cuối tháng 11/1998.

Vụ việc ở Sihanoukville thổi bùng làn sóng phản đối của người dân Campuchia. Một khách sạn của tập đoàn này đã bị đập phá. Dưới sức ép của dư luận, Formosa đã phải công khai xin lỗi và bị buộc phải dọn dẹp đống chất thải mà tập đoàn này đã vứt bỏ trước khi đưa tới xử lý tại Nevada, Mỹ. Tuy nhiên, nhà máy của tập đoàn này vẫn được phép hoạt động. Formosa phủ nhận cáo buộc đưa hối lộ để có thể nhập chất độc hại vào Campuchia.

img

Nhà máy của Formosa ở Illinois bị đóng cửa sau sự cố làm chết 5 công nhân. Ảnh: USA Today

Formosa cũng liên quan tới hàng loạt tai nạn chết người được mô tả ở mức “gần như thảm họa”. Trong tháng 4.2014, một sự cố trong nhà máy của Formosa ở Illiopolis, Illinois đã làm chết 5 công nhân đồng thời khiến khu dân cư xung quanh nhà máy phải sơ tán khẩn cấp. Nhà chức trách Mỹ phát hiện hàng loạt sai phạm và xử phạt Tập đoàn của Đài Loan số tiền 300.000 USD. Tuy nhiên, một năm sau, vụ sự cố khác xảy ra tại nhà máy hóa chất của Formosa ở miền nam Texas làm 11 công nhân thiệt mạng.

Sự việc diễn ra ở thành phố Delaware, bang Delaware tiếp tục cho thấy sự thiếu trách nhiệm của Formosa với luật pháp, môi trường sinh thái và cuộc sống con người. Formosa liên tục vi phạm quy định của nhà chức trách. Ngước ngầm xung quanh nhà máy ở Delaware, nguồn cung chính cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, bị ô nhiễm nghiêm trọng. Danh sách các khoản tiền phạt lên tới 1 triệu USD cũng không thể làm thay đổi thái độ của công ty này.

Hàng loạt cuộc biểu tình chống Formosa đã xảy ra trên khắp thế giới, bao gồm cả Đài Loan. Tập đoàn Formosa Plastics là một trong 10 danh nghiệp gây ô nhiễm nhất tại đảo Đài Loan. Khoảng 25% lượng khí nhà kính của Đài Loan do các nhà máy của Formosa thải ra. Tại Mỹ, Hiệp hội thương mại của ngành công nghiệp hóa học Mỹ đã phủ nhận hợp tác với Formosa.