Những ngày này, dư luận đang nóng lên với vấn đề ô nhiễm môi trường biển gây ra tình trạng cá chết hàng loạt tại khu vực miền Trung. Một trong những “nghi phạm” được nêu ra là Dự án Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, thuộc Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), nơi có đường ống xả thải khá lớn chạy thẳng ra biển.
Đến lúc này, nhiều người lại đặt câu hỏi: Phải chăng Việt Nam đang phải lãnh hậu quả từ việc “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư nước ngoài (FDI), để rồi dễ dàng để “lọt lưới” nhiều doanh nghiệp FDI với công nghệ lạc hậu, ý thức kém, gây ô nhiễm môi trường?
Formosa được cấp phép xả nước thải sau khi xử lý; thời hạn giấy phép 10 năm với 12 thông số và giới hạn nồng độ gây ô nhiễm. Ảnh: Duy Tuấn
Trả giá cho “tăng trưởng nóng”
Khoảng 20 năm trước, khi Việt Nam bước vào công cuộc phát triển, muốn có một sự tăng trưởng nhanh chóng, vượt bậc nên chính sách thu hút FDI hết sức cởi mở, như người ta vẫn nói là “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư.
Nhiều chuyên gia đánh giá, không phải lúc đó chúng ta không nhìn thấy trước những hệ quả tai hại có thể gây ra cho môi trường, nhưng “cái bẫy” tăng trưởng nóng đôi khi đã khiến chúng ta phải bất chấp, đánh đổi nhiều thứ.
Tháng 9.2008, từ phản ánh của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, sau hơn 3 tháng theo dõi, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang Công ty Vedan (100% vốn Đài Loan) đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.
Sau đó, Chánh Thanh tra Bộ TNMT ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Vedan với tổng số tiền 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng. Hàng loạt người dân sống quanh khu vực sông Thị Vải cũng đã kiện Vedan đòi bồi thường và cuối cùng, công ty này đã phải bồi thường 220 tỷ đồng cho những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành vi sai trái của Vedan.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành |
Gần đây nhất, tháng 4.2015, hàng trăm người dân của xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) kéo ra Quốc lộ 1, phản đối Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả xỉ than gây ô nhiễm, yêu cầu lãnh đạo đơn vị này phải khắc phục ngay tình trạng để xỉ than tràn lan, gây ô nhiễm.
Cho đến thời điểm đó, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 mới đi vào hoạt động hơn 6 tháng nhưng đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 2 xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Nhà máy này đã bị nhắc nhở, thậm chí xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được khắc phục, gây bức xúc trong nhân dân.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không phải hoàn toàn vốn của nước ngoài (do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn điện khí Thượng Hải, Trung Quốc đầu tư tới 23.500 tỷ đồng), nhưng sử dụng công nghệ của Trung Quốc…
Đến thời điểm này, tuy chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân của việc hải sản khu vực miền Trung bị nhiễm độc nặng và chết là bắt nguồn từ đâu, nhưng một trong những “nghi phạm” chính được nhắc tới chính là Dự án Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh (100% vốn của Đài Loan với tổng số vốn lên tới 10,5 tỷ USD) với hệ thống xả thải quy mô lớn xả ra biển Vũng Áng.
Nói thế nào với hậu thế đây?
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, không thể “đầu độc” cả một đất nước để đánh đổi lấy đầu tư. Theo ông Thành, Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành phải vào cuộc xem việc thực hiện các giấy phép đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài và cả trong nước về vấn đề thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường đã được thực hiện tuân thủ ra sao.
TS Lê Đăng Doanh cũng đồng quan điểm khi nhận định: "Đây là hệ quả rất nghiêm trọng khi chúng ta quá nuông chiều các tập đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta sẽ kể lại cho các thế hệ mai sau như thế nào đây?".
“Theo tôi biết, hy sinh môi trường để kêu gọi đầu tư chưa bao giờ là chính sách của Việt Nam. Luật pháp của Việt Nam cũng như luật đầu tư đã quy định rất rõ ràng và cũng là theo nguyên tắc chung của thế giới. Ngân hàng Thế giới cũng không tài trợ cho chính sách nào nếu không đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường. Trong bất kỳ dự án nào mà Ngân hàng Thế giới xem xét đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường chặt chẽ mới quyết định cho vay hay không cho vay” - ông Thành cho hay.
Đánh giá riêng về trường hợp Formosa Hà Tĩnh, ông Thành cho rằng, Formosa là doanh nghiệp FDI rất lớn tại Việt Nam, họ lại càng phải thận trọng trong những vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là liên quan tới môi trường.
“Các cơ quan chức năng phải làm rõ về việc cá chết do nguyên nhân gì. Cơ quan quản lý cần rà soát lại những dự án đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, tác động đến môi trường ra sao” - chuyên gia Bùi Kiến Thành kết luận.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Không có chuyện đưa ra các điều kiện để mặc cả Các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam buộc phải chấp nhận quy định luật pháp cũng như các cam kết. Chính vì vậy trong hợp đồng đăng ký kinh doanh và quản lý môi trường công ty đó phải chấp nhận yêu cầu của phía Việt Nam và phải cam kết những vấn đề pháp lý, kể cả vấn đề tuân thủ việc xử lý ô nhiễm môi trường, nước thải cũng như vấn đề hài hòa lợi ích. Không bao giờ có chuyện lôi các doanh nghiệp FDI được đưa các điều kiện ra để mặc cả như việc ông Chu Xuân Phàm của Formosa Hà Tĩnh nói “Phải lựa chọn giữa nhà máy thép hay tôm, cá”. Bởi nếu mặc cả như vậy ngay từ đầu thì chúng ta đã từ chối ngay. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Hậu quả ô nhiễm môi trường là khôn lường Thông tin Formosa nhập lượng lớn hóa chất cực độc về để tẩy rửa đường ống xả thải, nhưng tác hại như thế nào vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Tôi thấy, sự giám sát, việc làm sáng tỏ những nghi vấn, nguyên nhân của việc cá chết cho đến nay quá chậm. Tuy nhiên, cũng không nên nhìn nhận một cách quá tiêu cực, bi quan về việc kêu gọi FDI. Trong số hàng trăm doanh nghiệp lớn, chỉ có một số nhỏ doanh nghiệp vi phạm, nhưng hậu quả gây ra cũng khôn lường. Phương Hà (ghi) |