Chuyện nông dân vùng ĐBSCL gần đây thuê xã hội đen đi đòi nợ thuê, hay bảo vệ cho chính mình, đã không còn là chuyện lạ. Nhiều người nhờ giang hồ mà đòi nợ được nhanh hơn thưa ra tòa. Nhưng cũng có người mắc vòng lao lý vì dính vào một số hành vi mà pháp luật nghiêm cấm.
Ngày 27.4, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, Công an huyện Cai Lậy đang điều tra vụ 24 đối tượng mang nhiều hung khí đi thanh toán một băng bảo kê ở huyện Cai Lậy.
Thông tin ban đầu, ngày 25.4, nhận được thông tin từ Công an huyện Cai Lậy, Công an huyện Tân Phước đã lập chốt chặn bắt giữ 24 người đi trên 3 ô tô mang theo nhiều mã tấu, dao, tuýp sắt 3 đoạn, roi điện, nỏ bắn tên sắt. Tại cơ quan chức năng, người cầm đầu khai tên là Trần Hồng Cường (32 tuổi) và vợ là Bùi Thị Kim Quyên (ngụ xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, Tiền Giang) - là thương lái dưa hấu.
Số hung khí công an thu được của 22 tên giang hồ. Ảnh Hữu Danh
Đầu năm 2016, vợ chồng Cường đi mua dưa tại xã Phú Cường (Cai Lậy) bị một nhóm do một người tên Út “đại ca” (chưa rõ tên thật) cầm đầu đòi tiền bảo kê. Cường không đồng ý nên bị đàn em của Út “đại ca” đánh bầm dập.
Đến 23.4, vợ chồng Cường đến xã Phú Cường đặt cọc mua dưa cũng bị Út và đàn em hăm dọa đòi tiền bảo kê. Cường nói vợ chồng anh kiếm tiền rất khó khăn, nông dân ai cũng nghèo nên nghề mua bán dưa không có tiền đóng bảo kê. Út dọa nếu đến mua dưa nữa sẽ bị chém.
Do đã lỡ đặt cọc nên phải mua dưa của nông dân, sợ bị chém nên vợ chồng Cường thuê 22 giang hồ mang hung khí đi theo để tự vệ.
Khi vợ anh đang cân dưa thì nhóm Út cầm dao, búa đến đòi tiền. Hai bên liền nhảy vào hỗn chiến khiến một số người bị thương. Do nhóm Út “đại ca” quá hung hãn nên cả nhóm 24 người của Cường chạy về hướng Tân Phước. Tại đây, công an đã chờ sẵn và bắt gọn.
Câu chuyện người dân rước họa vì thuê xã hội đen đòi nợ cũng đã từng được Dân Việt và nhiều cơ quan truyền thông đại chúng phản ánh và cảnh báo.
Cách đây 6 năm, bị doanh nghiệp “xù” 1,8 tỷ đồng tiền bán cá, ông H.V.T (ngụ xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, An Giang) kiện ra tòa nhưng càng kiện chỉ càng tốn tiền, tốn sức nên ông không thèm kiện.
Thấy nhiều nông dân khác bị giật nợ phải thuê “xã hội đen” đi đòi giùm, ông T cũng nhờ tay anh chị tên L ngụ quận 4, TP.HCM về An Giang thu nợ giúp. Theo thỏa thuận, người đòi nợ sẽ được hưởng 15% trên tổng số tiền thu hồi. “Ông L về đòi liên tục trong 3 ngày, phía công ty trả được 200 triệu đồng. Tôi định đòi cho hết thì lãnh đạo huyện phát hiện, yêu cầu dừng cách đó. Do đó, tôi đã nộp đơn cho công an và chờ pháp luật giải quyết” - ông T cho hay. Tuy nhiên, 6 năm trôi qua ông T không đòi thêm được đồng nào.
Không “may mắn” như ông H.V.T, nông dân Phan Văn Hữu (ngụ Vĩnh Long) đã bị bắt vì thuê xã hội đen đòi nợ. Chiều 1.4. 2016, Công an huyện Long Hồ (Vĩnh Long) bắt khẩn cấp Phan Văn Hữu (29 tuổi, ngụ xã Đồng Phú) về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Theo điều tra, trước đây ông V.T.B (ngụ Đồng Tháp) có mua cá của Hữu nhưng sau đó không trả tiền. Năm 2014, Hữu thuê hàng chục đối tượng chạy ghe đến bè cá của ông P ở xã An Bình, huyện Long Hồ, Vĩnh Long, bắt hơn 2 tấn cá diêu hồng để trừ nợ. Công an xuất hiện và Hữu bị bắt.
Như vậy, thực tế đã có nhiều người vì nôn nóng bảo vệ tài sản của mình, đã thuê giang hồ, rồi vướng vòng lao lý. Cuối cùng, tiền mất, tật mang.
Bị giật nợ, cứ kiên trì đòi. Hoặc báo công an, hoặc thưa ra tòa.
Đừng tin giang hồ mà thiệt.