Ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), anh Trương Hồng Minh là người tiêu biểu trong chuyển đổi phương thức nuôi gà, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Anh Minh chia sẻ: “Bốn năm trước, gia đình tôi nuôi gà rất chật vật. Mỗi đợt xuất chuồng lại lo không bán được nên không dám nuôi nhiều”. Bên cạnh đó, chăn nuôi kiểu “thả nổi”, gà chậm lớn, tốn nhiều thời gian, thường bị dịch bệnh. Đầu năm 2013, đàn gà gần 500 con của anh Minh bị dịch bệnh, thiệt hại gần 50 triệu đồng. Chính sự vấp ngã này, anh nghiệm ra rằng chăn nuôi theo truyền thống không còn phù hợp.
Anh Trương Hồng Minh đang chăm sóc đàn gà của gia đình. Ảnh: Công Tâm
Từ đó, anh quyết định tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y để nâng cao kiến thức, kỹ năng. Chưa đủ, anh Minh còn theo các cán bộ thú y của xã đi thực hành để lĩnh hội thêm kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gà. Tay nghề vững, anh Minh vay vốn ngân hàng cải tạo chuồng trại và liên hệ mua giống gà tận Bắc Ninh về nuôi. Với diện tích 750m2, anh Minh cho xây dựng 3 khu chăn nuôi theo quy trình khép kín, bình quân mỗi năm nuôi 5-6 lứa, mỗi lứa 900 con. Mỗi lứa, trừ chi phí anh Minh lãi trên 20 triệu đồng.
Để chăn nuôi bền vững, anh Minh còn tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi của xã và cùng các thành viên tìm nguồn giống gà tốt, rõ nguồn gốc. Anh Minh thổ lộ: “Giống gà chúng tôi đặt mua từ Bắc Ninh đưa vào có tỷ lệ sống cao, sức đề kháng tốt, nuôi trong thời gian ngắn hơn giống gà của địa phương (chỉ 3 – 3,5 tháng là được xuất bán), trọng lượng khi xuất chuồng vượt trội hơn so với gà địa phương từ 0,2 – 0,4kg/con…”.
Ông Lâm Ngọc Xuyên – Chủ tịch Hội ND xã Cam Thành Bắc cho hay, hiện toàn xã có trên 40 hộ chăn nuôi gà, với số lượng trên 10.000 con, số hộ chăn nuôi đang phát triển mạnh. Đến nay, xã đã thành lập được tổ hợp tác chăn nuôi gà với 9 thành viên, bình quân mỗi thành viên lãi từ 50 đến gần 150 triệu đồng/năm.