Dân Việt

Cận cảnh 400 hiện vật lưu giữ ký ức chiến tranh ở HN

Hồng Phú 28/04/2016 12:29 GMT+7
Triển lãm Ký ức chiến tranh quy tụ hơn 400 hiện vật, hình ảnh về chiến tranh Việt Nam tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 41 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

img

Triển lãm trưng bày hơn 400 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu nhằm chào mừng kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016). Sự kiện do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Đặc công, Bảo tàng Tiền tệ tổ chức.

img

Triển lãm gồm có 4 phần. Phần một “Việt Nam – Cuộc chiến ác liệt” trưng bày các bức ảnh từng làm lay động cả thế giới của hãng thông tấn AP.

img

Phần này giới thiệu bộ ảnh chiến tranh VN do Hãng thông tấn AP (Mỹ) trao tặng. Trong số này, nhiều bức ảnh đã được giải thưởng Pulitzer - một giải thưởng danh giá của Mỹ. Một số ảnh nổi tiếng trong nhóm gồm: Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1963) của Malcolm Browne (ảnh) hay em bé Napalm - Kim Phúc (1972) của phóng viên Nick Út...

img

Phần thứ hai giới thiệu những kỷ vật trở của bộ đội ta do cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam trao trả. Trong số đó có lá cờ Đảng mà cựu chiến binh Mỹ Thomas Smith trao lại cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

img

Phần thứ ba giới thiệu những hiện vật gắn với các sự kiện, con người tiêu biểu, sự hy sinh của quân dân trong 21 năm kháng chiến. Trong đó có nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, thư của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

img

Phần bốn mang tên Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, giới thiệu quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. Ảnh do Hội Việt - Mỹ tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Triển lãm diễn ra đến hết tháng 5.2016.

img

Triển lãm thu hút khá đông người dân từ các em nhỏ đến người  lớn tuổi

img

Những bức ảnh này góp phần phản ánh toàn cảnh cuộc chiến ác liệt ở Việt Nam, giúp cho nhân dân các nước trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa Mỹ đã gây ra ở Việt Nam và cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc Việt Nam để giành thắng lợi trong. Trong ảnh là bức Em bé Napalm – Kim Phúc (1972)

img

Nhiều người ghi lại những hình ảnh của cuộc chiến tại triển lãm

img

Bức ảnh “Tổng trưởng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan dùng súng lục bắn vào đầu Nguyễn Văn Lém, người bị tình nghi là quân Giải phóng trên một con phố Sài Gòn trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968)” của phóng viên Eddie Adams, gây ám ảnh cho người xem.

img

Tại lễ khai mạc, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Triển lãm Ký ức chiến tranh sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; đồng thời động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, củng cố ý chí và quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.