Dân Việt

Ông lớn ngân hàng cũng 'tạm biệt' cổ tức

Thanh Thanh Lan 28/04/2016 11:15 GMT+7
Danh sách nhà băng hoãn chia lợi nhuận cho cổ đông bắt đầu có thêm sự góp mặt của những ông lớn do áp lực tăng quy mô và an toàn tài chính của các nhà băng này.

Vài năm trước, cổ đông nhỏ của các ngân hàng chưa niêm yết - những người phải chịu cảnh không được chia cổ tức nhiều năm - thường ghen tỵ với những nhà đầu tư vào ngân hàng lớn, nơi có "thói quen" trả cổ tức bằng tiền mặt trên dưới 10%. Tuy nhiên, tại mùa cổ đông năm nay, danh sách các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thậm chí "không có gì" ngày một dài thêm với sự góp mặt của một số ông lớn.

img

Nhiều cổ đông nhỏ xót xa khi đổ tiền vào các ngân hàng mà cổ tức nhận được không bằng gửi tiết kiệm.

Tờ trình phân phối lợi nhuận của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) gây bất ngờ với nhiều cổ đông khi xuất hiện dòng chữ "không chia cổ tức". Năm nay, VietinBank quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận lũy kế (khoảng 3.660 tỷ đồng) để bổ sung vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính. Dù Tổng giám đốc Lê Đức Thọ đã lên tiếng trấn an cổ đông có thể sắp tới sẽ chia số lợi nhuận này qua cổ tức bằng cổ phiếu nhưng thông tin này vẫn khiến nhiều cổ đông chạnh lòng, trong bối cảnh một ngân hàng "cùng cấp" khác vẫn trả cổ tức tiền mặt 10%.

Một ông lớn khác là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) năm nay cũng lỡ hẹn cổ tức theo cam kết với cổ đông. Tại kỳ họp cổ đông năm 2015, nhà băng này cam kết mức cổ tức không dưới 9% một năm nhưng tại cuộc họp thường niên năm 2016, tỷ lệ này chỉ còn 8,5% và ngân hàng trả hoàn toàn bằng cổ phiếu. Theo lý giải của Chủ tịch Trần Bắc Hà, sở dĩ tỷ lệ cổ tức không được đảm bảo do sau khi nhận sáp nhập MHB, số cổ phiếu phải chia tăng lên.

Áp lực phải tăng vốn là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng chuyển sang phân phối lợi nhuận bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Tăng vốn bằng chính lợi nhuận làm ra cũng là mong muốn nhiều lãnh đạo các nhà băng đưa ra khi giải trình với cổ đông. "Trong trung hạn, ngân hàng sẽ cố gắng để hạn chế thấp nhất việc cổ đông phải bỏ thêm tiền đầu tư", Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ nói.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo một ngân hàng cũng vừa quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu dù bị nhiều cổ đông phản đối cho biết đây cũng là mong muốn của Ngân hàng Nhà nước. Theo vị này, thời gian qua, các nhà băng Việt tăng tổng tài sản quá nhanh trong khi vốn chủ sở hữu lại quá mỏng. "CAR (hệ số an toàn vốn) dù đều trên 9% nhưng vẫn thấp nếu tính theo chuẩn Basel II mà toàn hệ thống sắp áp dụng. Do đó, trong bối cảnh chưa tìm được các đối tác nước ngoài để chào bán cổ phần, việc dùng lợi nhuận để gia tăng vốn tự có là điều nên làm", ông nói.

Khác với hai ông lớn này, nhiều nhà băng khác vốn đã kiên định với chính sách không trả cổ tức từ nhiều năm nay, cũng vì mục tiêu củng cố vốn chủ sở hữu. Như Techcombank, đây là năm thứ năm liên tiếp cổ đông đầu tư vào nhà băng này không được chia một đồng nào. "Ngân hàng làm gì cũng tốt, nói gì cũng hay nhưng có cái là quên cổ đông. Nếu không có lãi thì tôi không ý kiến nhưng tại sao vẫn lãi hơn 2.500 tỷ mà lại không chia cổ tức một đồng nào”, một cổ đông nhỏ của ngân hàng "truy" lãnh đạo Techcombank. Tuy nhiên, dù có phản đối gay gắt đến đâu, phần lớn nội dung tờ trình của các lãnh đạo ngân hàng vẫn không hề thay đổi.

Ngoại trừ Vietcombank - trường hợp duy nhất vẫn trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, năm nay cũng có những ngân hàng duy trì được chính sách trả cổ tức hài hòa. Như Ngân hàng Quân đội (MB), đơn vị này vẫn trả cả tiền mặt lẫn cổ phiếu (tỷ lệ 10%). Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng dự kiến chia cổ tức tiền mặt 8,5% và cổ phiếu 16,5% để tăng vốn điều lệ từ 4.850 tỷ đồng lên 5.644 tỷ đồng. Như vậy, nếu được thông qua, cổ đông VIB có thể được nhận cổ tức với tỷ lệ 25%. Năm ngoái, nhà băng này cũng trả cổ tức tiền mặt 9% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14%.