Đến dự có ông Lại Xuân Môn – Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cùng các đại biểu đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Ông Lại Xuân Môn – Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.
Việt Nam đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hiện tượng El Nino, làm cho mực nước xuống mức thấp, tình trạng xâm nhập mặn diễn biến gay gắt. Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, đến nay, do hạn, mặn, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL bị thiệt hại khoảng 5.572 tỷ đồng, 390.192 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Riêng ĐBSCL bị thiệt hại khoảng 230.586 ha diện tích cây trồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người nông dân. Đến nay, ĐBSCL đã có 11/13 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, trong đó đã có 10/13 tỉnh, thành phố công bố thiên tai năm 2016.
Hội nghị tập trung tìm ra giải pháp giúp nâng cao năng lực của người dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo các đại biểu, tình trạng hạn, mặn hiện nay là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua và kéo dài nhất trong lịch sử. Trước tình hình trên, thời gian qua, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã cử 2 đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá tình hình thiệt hại của nông dân tại 3 vùng: Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL gồm các tỉnh: Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang và Cà Mau.
Đại biểu đại diện các địa phương thông tin về tình hình hạn, mặn.
Ông Trần Ngọc Tam – Phó Bí thư tỉnh Bến Tre thông tin: “Nguồn nước ngọt ở các địa phương trong tỉnh Bến Tre gần như không thể lấy được, gây thiệt hại hàng chục nghìn ha lúa, rau màu, cây ăn quả. Nhiều đàn gia súc, gia cầm thiếu nước uống, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Dự đoán, tình trạng hạn, mặn này có thể kéo dài đến đầu tháng 6. Trước tình trạng trên, tỉnh đã công bố thiên tai và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết, ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tỷ lệ dân số chiếm gần 20% so với cả nước, GDP chiếm gần 17% GDP cả nước. Khu vực này còn là vùng trọng điểm an ninh lương thực của đất nước với sản lượng lương thực chiếm 56% cả nước và chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu.
Bên lề hội nghị, các đại biểu bàn về việc nâng cao năng lực của nông dân trong việc ứng với với hạn, mặn.
Ông Lại Xuân Môn cho biết thêm, tình trạng hạn, mặn đang ở ĐBSCL mới chỉ là sự cố thời tiết khởi đầu, báo hiệu một quá trình diễn biến khắc nghiệt hơn của biến đổi khí hậu. Hiện tượng này sẽ còn lặp lại và có thế diễn ra ở mức nghiêm trọng hơn. Vì vậy, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị này để tìm hiểu thêm tình hình ở các địa phương và đưa ra các pháp hỗ trợ người dân.
“Tôi đề nghị các đại biểu không nên nêu nhiều về hiện tượng, tình hình mà tập trung trao đổi về việc cần làm gì để giúp nông dân các địa phương kịp thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sớm khôi phục ổn định sản xuất, cải thiện cuộc sống và phát triển bền vững” - Ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh.