Sẽ làm thay đổi xã hội?
Từ góc nhìn của một nhà hoạt động xã hội, tầm quan trọng của “Hồ sơ Panama” đã vượt quá việc xác nhận những điều mà đa số dư luận nghi ngờ. Vụ rò rỉ thông tin thế kỷ này cung cấp nhiều bằng chứng hơn bao giờ hết về những điều mà nhiều người trong giới chóp bu chính trị thế giới có thể sẽ bị ngồi tù. Tuy nhiên, đó không phải là tin bất ngờ đối với nhiều người. Ý nghĩa thực sự của “Hồ sơ Panama” là một khả năng thay đổi xã hội.
Hàng chục ngàn người Iceland biểu tình phản đối Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson sau vụ rò rỉ thông tin từ Hồ sơ Panama.
Với sự nổi lên của các nhà hoạt động tố cáo sai phạm trên thế giới như Julian Assange, Chelsea Manning và Edward Snowden, việc rò rỉ thông tin đã trở thành một chiến thuật ngày một phổ biến của chủ nghĩa tích cực đương đại.
Đây là một cơ hội “có một không hai” để kiểm tra tính hiệu quả của chủ nghĩa rò rỉ thông tin. “Hồ sơ Panama” có thể được cho là một vụ rò rỉ thông tin hoàn hảo. Đầu tiên là quy mô khổng lồ của vụ việc này: 11,5 triệu tài liệu với khoảng 2,6 terabyte dữ liệu được lấy từ công ty luật lớn thứ tư thế giới Mossack Fonseca (trụ sở ở Panama) trong thời gian hoạt động từ năm 1977 tới cuối năm 2015. Đây là một vụ rò rỉ thông tin toàn diện, một vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Thứ hai, “Hồ sơ Panama” hiện đang được phân tích qua một sự hợp tác chưa từng có tiền lệ giữa hàng trăm nhà báo quốc tế có uy tín cao, những người đã làm việc bí mật suốt một năm qua. Đây là sự chuyên nghiệp hóa rò rỉ thông tin trên thế giới. Tính nghiệp dư thời WikiLeaks đã kết thúc.
Vậy liệu “Hồ sơ Panama” có thực sự tạo ra sự thay đổi xã hội theo hướng tích cực? Rõ ràng, những vụ rò rỉ thông tin có tiềm năng truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình trên đường phố. Ở Iceland, Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson và vợ của ông đã có tên trong các hồ sơ và hơn 10.000 người biểu tình đã tức giận kéo đến Quốc hội.
Trước sự phẫn nộ của dân chúng, hơn 48 giờ sau khi những tiết lộ của Hội Phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) được tung ra cho thấy Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson cất giấu hàng triệu USD trong một công ty bình phong ở thiên đường thuế, người đứng đầu chính phủ đảo quốc này đã phải từ chức. Tờ “Libération” đã đăng bài với tiêu đề: “Hồ sơ Panama: Thủ tướng Iceland đầu hàng”. Hơn nữa, đảo quốc chỉ với dân số 329.000 người này vẫn tiếp tục sôi sục phẫn nộ với các chính trị gia đòi bầu cử lại.
“Hồ sơ Panama” chứa đựng thông tin của 143 chính khách, liên đới từ Nga, Pakistan, Ukraine, Argentina, Saudi Arabia, Anh cho đến Trung Quốc, Brazil..., vì vậy có lý do để tin rằng các vụ biểu tình lớn sẽ lan rộng ở nhiều nước.
Nạn nhân thực sự
Mục đích của "Hồ sơ Panama" là làm sáng tỏ cho người dân ở mỗi quốc gia rằng họ đang đứng trước một kẻ thù chung. Không quan trọng ở Anh, Brazil, Nga hay Pakistan, sự thật là những người cực giàu đã và đang sử dụng của cải để duy trì sự kiểm soát quyền lực trong khi che giấu nó khỏi cơ quan thuế. Vấn đề cơ bản mà “Hồ sơ Panama” đặt ra là câu hỏi về sự lãnh đạo toàn cầu: Có những kẻ xấu đang nắm quyền. Vậy nếu một phong trào xã hội nổi lên, liệu nó có dẫn tới những cuộc biểu tình để thúc ép bầu cử sớm ở hàng loạt quốc gia nhằm giành lại quyền lực.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều nghi ngờ về tính xác thực và nạn nhân thực sự trong “Hồ sơ Panama”.
Ông John Christensen-Giám đốc và là nhà đồng sáng lập Mạng lưới Công lý thuế (TJN)có trụ sở tại Anh nói với Tờ “Newsweek”: “Đó là một sự vi phạm quyền con người. Các nạn nhân là những người bình thường như tôi và và bạn. Quy tắc đơn giản là nếu người giàu và người quyền lực trả thuế ít đi thì những người còn lại là chúng ta phải trả nhiều hơn. Và có bằng chứng về việc này, hãy nhìn những gì xảy ra ở Anh. Người giàu thì ngày một giàu hơn và người nghèo thì ngày càng nghèo đi, chúng ta đang chứng kiến thuế giá trị gia tăng (VAT) ngày càng cao, trong khi những dịch vụ công cần thiết bị cắt giảm”.
Các nỗ lực toàn cầu nhằm giúp những quốc gia đang phát triển (như Nigeria và Malawi), cũng bị tổn hại nghiêm trọng bởi nạn trốn thuế. Điều này xảy ra bởi những kẻ trốn thuế thường gửi tiền qua các nước mà họ biết rằng có những hiệp định thuế không công bằng và thường là những nước nghèo nhất.
Sự "chảy máu" tiền bạc này lớn hơn nhiều lần những gì mà các nước nghèo nhận được từ viện trợ nước ngoài. Trong một dạng thức đơn giản nhất, sự thao túng này bao gồm một công ty hoạt động ở một nước đang phát triển và lập nên một chi nhánh cho công ty của họ ở một thiên đường thuế. Sau đó, họ bán sản phẩm của mình với giá thấp cho chi nhánh này và nhờ đó chỉ phải chịu mức thuế thấp tối thiểu ở một nước đang phát triển đó. Cuối cùng, chi nhánh của họ ở thiên đường thuế bán sản phẩm ra với giá thị trường và được hưởng lời lãi khổng lồ cộng với mức thuế cực thấp hoặc bằng 0.
Nói một cách khác, các công ty thao túng giá để tránh phải trả thuế và kết quả là những quốc gia có hệ thống thuế không công bằng càng rơi sâu hơn vào nghèo đói bởi họ không đủ khả năng "nuôi" nền kinh tế của mình.
Bản chất toàn cầu của chiêu trò "trốn thuế" còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả các nước đang phát triển, nơi những đồng tiền thuế thất thu lẽ ra đã có thể được sử dụng để cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường sá, y tế và giáo dục để cho phép những nước này một ngày nào đó có thể tự chủ được và không còn phải phụ thuộc vào viện trợ quốc tế.
Trong số 214.488 công ty bình phong do Công ty Luật Mossack Fonseca dựng lên từ năm 1977, có tới 15.579 công ty do các ngân hàng yêu cầu lập cho các khách hàng giàu có của họ. Theo tờ “Le Monde”, có 365 tập đoàn ngân hàng của các nước đã nhờ cậy đến dịch vụ của Công ty Luật Mossack Fonseca. Trong số đó có các ngân hàng lớn như HSBC của Anh, UBS và Crédit Suisse của Thụy Sĩ, Deutsche Bank của Đức và Société Générale của Pháp. Ngoài ra còn rất nhiều ngân hàng nhỏ chủ yếu đặt tại Thụy Sĩ, Luxembourg, Jersey và Monaco cũng đã tìm đến công ty luật của Panama. |