Chuyện của rừng cây
Tháng Tư, TP.HCM nắng gắt. Dòng người đổ về HTTN như đông hơn, không khí có chút nhộn nhịp. Lặng lẽ bên một góc HTTN, những người công nhân mặc áo xanh tay kéo tay thang đang tỉ mẩn tỉa tót từng ngọn cây tùng. Công việc ngày nối ngày, lặng lẽ và có vẻ giản đơn. Nhưng nhìn đôi mắt chăm chút, đôi tay nhẹ nhàng cần mẫn nâng niu từng kẽ lá, hiểu rằng có một tình yêu lớn lao, một mối tương giao nào đó giữa cây với người, vô cùng xúc động. “Cắt đi một cành cây, một chiếc lá cũng thương lắm, vấn vương dữ lắm. Nhưng vì thương chúng nên phải cắt để lứa khác ra đẹp hơn”- Tổ trưởng tổ chăm sóc cây cảnh Nguyễn Thanh Sang bắt đầu câu chuyện bên cây tùng trước lối vào đại sảnh.
Các thành viên tổ chăm sóc cây ở Hội trường Thống Nhất. Ảnh: Nguyễn Tường
Tổ gồm 9 người, ông Sang là người lớn tuổi nhất, làm việc ở HTTN 26 năm rồi. Ông thuộc làu tên từng loại cây trong khuôn viên HTTN, những câu chuyện cảm động giữa cây với người. Với ông, mỗi cây trong HTTN đều mang một “tâm hồn” riêng. Không cần sổ sách, ông nói mồn một: HTTN có tổng cộng 2.116 cây thân gỗ và khoảng 2.000 cây cảnh. Ông Sang đưa tay chỉ vào hai hàng cây dẫn thẳng ra cổng HTTN, mỗi bên có 5 cây sao cổ thụ, đó là những cây lớn tuổi nhất, hơn 100 tuổi rồi. Dưới hàng sao bên phía phải, có cây giáng hương có từ thời nơi đây mang tên Norodom. Thân cây còn lỗ chỗ vết đạn chằng chịt nhưng vẫn khỏe khoắn, vươn cao xòe tán rộng vi vu.
Trước đại sảnh HTTN là hai cây tùng, cũng đã có tuổi trên 80 năm. Ông Sang có vẻ có tình cảm đặc biệt với chúng. Ông kể: Cặp tùng này của một gia đình trên đường Lê Văn Sỹ, gia đình gặp khó khăn, nhiều người đã tìm đến hỏi mua cặp tùng nhưng chủ nhân nhất quyết không bán. Khi ông Sang và Ban quản lý HTTN tìm đến, ông này hồ hởi nhượng lại ngay. Hai cây tùng từ đó đến nay vẫn xanh mướt, tán kết thành 5 tầng rất đẹp.
Ông Sang cho biết cây cảnh ở HTTN đa phần trồng sau này. Ngày trước, thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chỉ có 2 cây mai chiếu thủy ở sau dinh. Có cây si lớn đằng sau là nơi vị tổng thống chế độ cũ nuôi 1 con voi và 1 con ngựa. Ông Thiệu hay cưỡi ngựa đi vòng trong dinh. Sau này quân quản, bộ đội có trồng cây ăn trái, rau màu ở một góc. Từ năm 1991, HTTN mở cửa cho tham quan, Ban quản lý mới mang các loại cây cảnh về và trồng thêm nhiều cây gỗ khác. Trong đó có nhiều loại cây quý như sao, giáng hương, gõ mật, gõ đỏ. Có cả cây kim giao mang về từ Ba Vì, cây sưa từ Hà Nội. Ông Sang tự hào chỉ cho tôi “người bạn” là cây giáng hương ông trồng từ lúc mới vào đây, giờ đã cao 4-5 lần thân người.
Hôm ấy, đích thân Trưởng phòng Tổ chức Ban quản lý HTTN - ông Quan Thanh Tâm dẫn chúng tôi đi tham quan. Ông cho biết, đội ngũ nhân sự của Ban quản lý 180 người. Mỗi ngày HTTN tiếp hơn hàng ngàn khách tham quan. Công việc đặc thù lắm khi không có ngày nghỉ. Nhưng đã làm ở HTTN, ít ai di chuyển, kể cả những người trẻ tuổi. Ngoài thu nhập và văn hóa hòa đồng không khoảng cách từ trên xuống dưới của tập thể, điều đặc biệt nhất “trói chân” mọi người chính là sự tự hào, là tình yêu dành cho công trình đặc biệt này. |
Gần 2.000 cây cảnh, tổ cây xanh phải chia làm 5 khu vực thay nhau chăm sóc. Công việc thường ngày là bón phân, tưới nước và cắt tỉa cành lá. Giản đơn vậy nhưng vất vả vô cùng. Những công nhân làm từ sáng đến chiều, buổi trưa thì ở lại trong khuôn viên HTTN. Công việc ngày nối ngày nghe có vẻ đơn điệu. Nhưng tổ trưởng Sang hồ hởi: “Đã làm việc này, ai cũng hạnh phúc lắm. Anh em gắn bó ít khi muốn rời đi. Biết bao người đã gắn bó cuộc đời với công việc này rồi, bây giờ mình tiếp nối, đến khi không còn sức thì thôi”- ông Sang vừa nói vừa nhìn lên cây tùng. Những người thợ trẻ thoáng chút ngơi tay, quệt mồ hôi cười theo đầy rạng rỡ.
Theo lời ông Sang, có rất nhiều người gắn bó cả đời với rừng cây trong HTTN. Sau ngày thống nhất, họ vẫn gắn bó cho tới khi về già. Có ông Bảy On, có ông Tư Nhàn, dì Bê, ông Ba Đấu… đều là những “từ điển sống” về các loại cây trong HTTN. Có cả giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng nhiều năm gắn bó với nghề chăm cây nơi này. Ông Sang thoáng chút bùi ngùi, những người xưa cũ có nhiều người đã mất đi. Ông và các đồng nghiệp trẻ là thế hệ tiếp nối. Họ cùng nhau chăm sóc cây, cùng nhau lưu giữ những giai thoại những câu chuyện xúc động, linh thiêng truyền qua nhiều thế hệ.
Chuyện của đời người
Tổ trưởng Nguyễn Thanh Sang 53 tuổi, dáng người thấp đậm, nước da sạm nắng, đôi mắt rất hiền và giọng nói trầm ấm nhẹ nhàng. Gần như tất cả xúc cảm ông dành cho nơi này. Nên “người nông dân” ấy, ít nói về mình. Ông người gốc Sài Gòn, sống ở Gò Vấp. Ngày trước làm ruộng và chăm cây cảnh, sau đó được vào làm trong HTTN. Từ lúc còn trai trẻ cho đến nay đã là ông ngoại của vài đứa cháu, hơn nửa đời người gắn bó với những hàng cây. Công việc ở HTTN, thích nhất là sự chan hòa, đặc biệt hơn là cảm giác tự hào. Thi thoảng, ông và đồng nghiệp cũng được nhiều du khách hỏi thăm về lịch sử. Họ đọc sách, hỏi những người rành lịch sử để có vốn tiếp chuyện du khách. Nhờ đó, yêu hơn chốn này.
Tổ trưởng Nguyễn Thanh Sang. Ảnh: N.T
Ông Sang kể cho chúng tôi câu chuyện về “một người yêu cây” đặc biệt. Đó là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Mỗi buổi họp hành trong HTTN, giờ giải lao, bác Sáu Dân vẫn thường ra trước sảnh hội trường ngắm nghía, vuốt ve những hàng cây cảnh. Lúc rảnh rỗi ở nhà, ông cũng thường tỉa tót, chăm cây. “Bác Sáu gần gũi lắm, nói chuyện nhẹ nhàng gần gũi chứ không có khoảng cách”- ông Sang xúc động kể. Mỗi lần trò chuyện, bác Sáu Dân hay dặn dò rằng ông bà xưa chơi cây cảnh đều có thông điệp riêng, nhất là đạo đức trí, tín, lễ, nghĩa. Con người sống cũng phải biết kính trên nhường dưới, thương yêu người xung quanh mình. Ngày bác Sáu Dân mất, linh cữu để trong HTTN vài ngày. Ông Sang khóc, như mất một người cha… Kể đến đây, “người thợ” già thoáng chút im lặng. Đôi mắt ông như sâu thêm quãng buồn thương, tiếc nuối.
Ông còn nhiều lần vinh hạnh được chăm sóc cây tại nhà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mỗi lần là một kỷ niệm xúc động. Tự tay phu nhân thủ tướng bưng nước mời anh em uống. Không khoảng cách, không câu nệ. Đó là những kỷ niệm vô giá của cuộc đời ông.
Ít ai biết, cây cảnh ở HTTN thường được mang đi phục vụ những sự kiện lớn của đất nước, vượt ra ngoài phạm vi Sài Gòn. Có lẽ, ngoài vẻ đẹp, mỗi cây cảnh còn hàm chứa cả sự linh thiêng, khí phách và cội nguồn lịch sử. Bản thân người tổ trưởng, một nghệ nhân thật sự, thỉnh thoảng lại có những “chuyến công cán” ra Hà Nội chăm sóc cây cảnh ở Văn phòng Chính phủ. Hồi sự kiện lớn APEC, ông ra thủ đô chăm cây cả tháng trời. Hết việc, ông lại trở về với bộ đồng phục xanh, bảng tên và chiếc kéo cắt cây luôn trong tay...
“Xa một ngày là nhớ, dù ngày nghỉ mình cũng vô hội trường. Chỉ mong ước được gắn bó với công việc này, chừng nào hết sức khỏe thì thôi”- vị tổ trưởng cười nói./.