Dân Việt

Thuyền úp bãi biển, du khách đứng xa bờ...

Ngọc Vũ – Kim Oanh 01/05/2016 07:00 GMT+7
Những ngày qua, ngư dân Quảng Trị chỉ biết úp thúng, kéo lưới vào bờ, bó gối nhìn ra biển. Họ than phiền: Ra khơi đánh bắt được cá nhưng vào bờ người ta mua giá quá thấp hoặc không ai mua, lỗ nặng...

Những ngày qua, ngư dân Quảng Trị chỉ biết úp thúng, kéo lưới vào bờ, bó gối nhìn ra biển. Họ than phiền: Ra khơi đánh bắt được cá nhưng vào bờ người ta mua giá quá thấp hoặc không ai mua, lỗ nặng...

img

Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), tàu cá cũng nằm bờ ràn rạt. Ảnh: Nam Cường

Trở về sau chuyến biển Hoàng Sa dài ngày, ngư dân Võ Công Tính (chủ tàu QT 91499 TS, xã Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị) cho biết, sau đợt này, ông nghỉ ngơi, cho sửa chữa lại tàu một thời gian dài, chưa biết ngày trở lại biển. Ông tính toán: “Đánh cá thu ở khơi xa, bình thường bán với giá 130.000 đồng/kg, nay chỉ còn 100.000 đồng/kg, lỗ nặng. Chúng tôi mong nhà nước hỗ trợ gạo cho chúng tôi ăn qua ngày để sống, nuôi con cái ăn học chứ ngư dân đói đến nơi rồi”. Ngư dân Hồ Văn Cần (chủ tàu QT 91555 TS, xã Gio Việt, Gio Linh) gặp cảnh cay đắng hơn, vì sau 4 ngày ra khơi cách đảo Cồn Cỏ 20 hải lý đánh bắt được 3 tấn cá nục và mực nhưng bán chẳng ai mua. Cuối cùng, ông Cần đành đem bán cho một cơ sở thu mua cá chế biến thức ăn gia súc với giá 3.000 đồng/kg (ngày thường cá nục có giá trên 20.000 đồng/kg, mực giá thấp nhất 120.000 đồng/kg). Ông Cần nói đánh cá ở vùng biển có cá chết bán không được nên nhiều ngư dân đã chạy thuyền vào tỉnh phía Nam với mong mỏi bám biển mưu sinh. Khi hỏi mua mực, nhiều ngư dân kiên quyết từ chối bán vì “không yên tâm, sợ có chuyện gì xảy ra”.

Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, kết quả kiểm tra mẫu cá, nước của tỉnh giống với các tỉnh khác nên kết luận cá chết không phải do dịch bệnh, các chỉ số về nước biển đều ở mức cho phép.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Thắng – Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Trị, cá chết chưa rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến ngành du lịch khá nặng nề. “Chúng tôi vừa đi kiểm tra, dọc các bãi biển của tỉnh hầu như không có bóng dáng du khách. Tại các địa điểm du lịch khác như địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị… cũng vắng khách hơn ngày thường” – ông Thắng nói. Theo vị lãnh đạo này, chưa hết tháng 4 nhưng lượng vé tham quan bán ra đã giảm 1.000 vé so với tháng 3. 30% các tour du lịch bị hủy. Trước tình thế đó, ngành du lịch Quảng Trị đã động viên các nhà hàng, khách sạn cố gắng giảm giá thành, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… để gọi mời khách du lịch.

Tại Đà Nẵng, ông Lê Tấn Thanh Tùng- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Vitour Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, hiện lượng khách đã đăng ký đi các tour ra khu vực Bắc Trung Bộ thông báo hủy tour đang ngày càng nhiều. “Khách đặt tour tới miền Trung hỏi kỹ về tình hình ăn uống. Trước tình trạng như vậy, chúng tôi tư vấn có giải pháp thay thế các món ăn đồ biển bằng cá sông, hồ. Tuy nhiên, nhiều đoàn vẫn không yên tâm. Tôi hy vọng các ngành chức năng sớm kết luận” – ông Tùng nói.

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, dự báo trong dịp nghỉ lễ 30.4 -1.5, xu hướng du khách sẽ tiếp tục không chọn miền Trung, bởi du khách chọn du lịch Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung chủ yếu để tắm biển, thưởng thức hải sản. Ông Trần Chí Cường- Phó Giám đốc  Sở VHTTDL TP.Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang khẩn trương cùng lãnh đạo địa phương đánh giá hệ lụy của việc cá chết đến ngành du lịch, sau đó sẽ có thông tin chính thức để du khách yên tâm.