Nhập đội bom mìn
Tại Văn phòng điều phối Dự án Renew - phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh ở Đông Hà (Quảng Trị), tôi được anh Đinh Ngọc Vũ - quản lý văn phòng cho biết: “Chúng tôi có số điện thoại nóng miễn phí. Khi người dân phát hiện ra bom mìn thì gọi số 05.335.541, chúng tôi sẽ cử đội cơ động đến, đưa ra hướng xử lý trong vòng 24 giờ”.
Giao nhiệm vụ trước khi tiến hành hủy đạn. Ảnh: G.T
Trong khi chờ đi thực địa tìm hiểu lấy thông tin, đích thân đội trưởng đội cơ động Nguyễn Ngọc Khiết cho hay: “Đội đang chuẩn bị xử lý quả lựu đạn do người dân thôn Phi Thừa, xã Cam An phát hiện trong lúc đào đất xây mộ. Nếu muốn anh có thể đi cùng”. Cảm giác chờn chợn khi phải đối mặt với tử thần lập tức bủa vây lấy tôi. Chưa dừng ở đó, anh Hoà - nhân viên y tế của đội hỏi một câu làm tôi rợn tóc gáy: “Xin lỗi, nhà báo nhóm máu nào để có sự cố chúng tôi tiện cấp cứu”. Đây là thông tin bắt buộc của mỗi thành viên trong tổ cơ động trước khi tham gia vào công việc. Tôi hoảng luôn...
Nhưng may là anh Khiết - đội trưởng trấn an cho tôi bằng những chia sẻ rất chân thành: “Khi mình ghi tên tham gia chương trình này, bên nội bên ngoại ai cũng can ngăn. Nhà đông anh em nhưng đã có người đã hy sinh ở chiến trường. Tôi được địa phương ưu tiên không cho đi bộ đội, chỉ để ở nhà làm dân quân du kích. Thế mà lại xin đi làm việc này. Vợ con đã khóc như ri, sưng mắt suốt cả tháng trời. Cô ấy can không cho tham gia vào khoá huấn luyện xử lý bom mìn. Nhưng tôi nghĩ, tháng nào trên địa bàn mình sống cũng nghe chuyện cụt tay cụt chân, mất mạng vì bom mìn nên mình phải tham gia để hạn chế bớt những tai nạn thương tâm”.
Là người lớn tuổi nhất phụ trách về công tác y tế, anh Hòa cho biết thêm: “Cả đội hầu như ai cũng đã qua quân ngũ, có kiến thức sơ đẳng về bom mìn thuốc nổ, nhưng khi quyết định tham gia vào dự án thì gia đình ai cũng sợ. Có cậu còn suýt bị người yêu bỏ, may mà vượt qua được”.
Nhốt đạn vào thùng
Rốt cuộc thì tôi vẫn tham gia cùng các anh em. Cả đội xếp thành một vòng tròn, bật bộ đàm kiểm tra lần cuối. 4 người chốt 4 hướng cảnh giới an toàn. Anh Lập - đội phó chuẩn bị thùng chứa đạn đã qua kiểm tra rồi đỗ xe đúng nơi quy định. Anh nói: “Nhiệm vụ của chúng ta lần này là 1 quả lựu đạn M26 của Mỹ đã bị ăn mòn chốt an toàn, có bán kính văng mạnh sát thương 300m”. Khái quát nhiệm vụ xong, anh Khiết ra hiệu cho tôi đi theo anh vào hiện trường. Máy bộ đàm của anh bật sẵn, lần lượt các vị trí cảnh giới báo cáo đã an toàn, chiếc hòm cát chuyên dụng được chuẩn bị.
Khu vực báo nguy hiểm - nơi sẽ diễn ra đợt tiêu hủy đạn. Ảnh: G.T
Hướng dẫn tôi vào vị trí ẩn nấp, anh Khiết từ từ dùng tay vớt quả lựu đạn đã không còn chốt an toàn, nhẹ nhàng đặt vào chiếc hòm cát để đưa về bãi huỷ tập trung. Mọi việc diễn ra mau lẹ, không một chút sai sót. Xong việc, anh quay sang tôi nói: “Khi tiếp xúc với bom mìn thường chỉ 1 người thực hiện, và thường là đội trưởng làm. Việc này để lỡ xảy ra sự cố đạn phát nổ thì hạn chế thương vong thấp nhất”. Việc “nhốt đạn” của đội cơ động tạm thời được kết thúc, khi chúng tôi áp tải quả lựu đạn về bãi nổ tập trung. Một lần nữa chúng tôi phải đứng ở khoảng cách an toàn, còn anh Khiết một mình mang trái đạn vào hố chứa, đợi cho đủ mẻ để tiêu huỷ một lượt.
Quảng Trị có 83,8% tổng diện tích đất tự nhiên bị nhiễm bom mìn. Tính từ năm 1975 tới nay, năm nào ở đây cũng có tai nạn bom mìn, đã có 2.600 người chết, 7.000 người bị thương. |
Tìm hiểu thêm về nơi tìm thấy quả đạn, tôi được ông Trần Văn Cự - người phát hiện quả đạn cho biết: “Khu đồi này trước kia là vùng gò đồi, do lính Mỹ đóng đồn Cam Xuân ở đây”. Năm 1973, du kích địa phương và bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào tấn công, chúng bỏ đồn chạy thoát thân. Vì thế khu đồi bị bỏ hoang do nhiễm bom mìn dày đặc, dân không canh tác được. Ông Cự nói tiếp: “Trước kia chưa có đội cơ động xử lý bom mìn của Tổ chức Renew thì người dân tự tháo gỡ. Tai nạn gây thương tích cũng nhiều lần. Khi có đội cơ động phá bom mìn rồi, phát hiện thấy bom mìn là chúng tôi gọi điện cho họ”.
Giật nổ
Hình ảnh cầm quả đạn như đám trẻ ôm con quay trong tay (mà không biết nó nổ lúc nào) của anh Khiết, khiến ai nhìn thấy cũng hãi hùng vì cảm giác tử thần luôn lởn vởn đâu đó để gây chuyện. Biết tôi đang phân vân, anh Khiết vỗ vai: “Nếu nhà báo không sợ thì mời đi huỷ đạn với chúng tôi một chuyến để nếm mùi vị của chiến tranh”. Chúng tôi lại rồng rắn đến nơi quả đạn được người dân phát hiện trong khu rừng thông của lâm trường Tân Hiệp, huyện Cam Lộ. Đó là quả đạn pháo 57HF, được đội cơ động khoanh vùng nguy hiểm.
Thu gom đạn vào bãi hủy tập trung. Ảnh: G.T
Trước giờ tiến hành nổ, anh Khiết tập hợp cả đội giao nhiệm vụ cho từng người giống như bước vào trận chiến. Giọng anh dứt khoát: Chúng ta chia làm 6 mũi cảnh giới phạm vi cách điểm nổ 100m, Triều gác hướng Bắc, Toàn hướng Nam, Anh hướng Tây, Đạt hướng Đông. Riêng 2 đầu đường do Lập và Hoà gác. Anh Lập - đội phó hỗ trợ đội trưởng làm công tác chuẩn bị thuốc và cảnh giới. Anh Lập cầm dây điểm hoả, trong trường hợp có tai nạn xảy ra, anh Hoà sẽ chỉ huy toàn đội làm công tác cấp cứu nạn nhân tại chỗ. Tiếp theo chúng ta sẽ chuyển nạn nhân về Bệnh viện Đa khoa huyện Cam Lộ, tất cả rõ chưa?... Cả đội đồng thanh: Rõ!
Tất cả vào vị trí làm việc. Tiếng loa thông báo được bật lên tràng dài, còi hú làm náo động cả một khu rừng. Trong ánh nắng, tôi nhìn thấy rõ từng tốp công nhân đang lấy nhựa gần đó vội di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm chỗ ẩn nấp.
“Cả đội hầu như ai cũng đã qua quân ngũ, có kiến thức sơ đẳng về bom mìn thuốc nổ, nhưng khi quyết định tham gia vào dự án, gia đình ai cũng sợ. Có cậu còn suýt bị người yêu bỏ, may mà vượt qua được”. |
Chiếc nắp hộp đạn bật ra, anh Lập lặng lẽ cầm thỏi thuốc nổ rồi mang ra góc khuất của cánh rừng. Đặt lưỡi cưa sắc lẹm vào kéo xoàn xoẹt để cưa đôi thỏi thuốc nổ, anh chăm chú, tỉ mỉ như một chú ong thợ. Rồi nhẹ nhàng, từng lưỡi cưa chính xác đã xẻ đôi thỏi thuốc nổ TNT có sức công phá làm sập cả ngôi nhà kiên cố 3 tầng. Tôi đưa máy ảnh lên để ghi lại khoảnh khắc này, không rời mắt khỏi thỏi thuốc, anh lập tức nói: “Không chụp được đâu!”. Chưa dứt lời, anh lại tì tay lên thỏi thuốc kéo những lưỡi cưa nặng chịch, dồn hết tinh lực vào từng chiếc răng cưa đang găm vào thỏi thuốc nổ.
Lần lượt 6 vị trí cảnh giới báo lại đã an toàn. Anh Khiết lặng lẽ tiến vào chỗ quả đạn 57HF to như chiếc bắp chuối đã được đánh dấu. Anh dùng 2 tay bê quả đạn, rồi tiền về vị trí đã chuẩn bị sẵn là 1 hố sâu 50cm, thanh thuốc nổ được tách làm đôi. Anh Khiết thuần thục ốp vào quả đạn, dùng băng dính đen cố định vào chiếc kíp nổ điện được tra vào thỏi thuốc. Đoạn dây nổ màu đỏ được mắc vào rồi anh ra lệnh thử kíp nổ. Một luồng điện nhỏ từ dây dẫn nổ chạm vào nhau xèn xẹt. Tất cả đều tốt. Anh nhẹ nhàng đặt quả đạn đã ghim thuốc nổ xuống hố đất, rồi xếp những bao tải cát lên quả đạn. Anh ra lệnh trong máy bộ đàm, 5 phút nữa sẽ nổ.
Đi về phía cuộn dây điểm hoả được giao cho anh Hoà giữ, anh Khiết từ từ móc chiếc máy điểm hoả ở trong túi ra, lắp vào cuộn dây dẫn hoả. Đây là thiết bị bất ly thân của đội trưởng, nó như là bảo bối, quyết định đến mạng sống người giữ.
Anh Khiết bảo tôi: “Đây là nguyên tắc, phòng ngừa trường hợp lúc mình đang làm thuốc mà anh em lại kích nổ chỉ có tan xác”. Một lần nữa các chốt gác lại báo cáo an toàn, lệnh điểm hoả được ban ra. Một, hai, ba- điểm hoả. Hai tiếng nổ ghê rợn “bùm bùm”, nhìn từ xa chúng tôi chỉ thấy những bao cát bay lên cao vỡ tung tóe tạo nên đám bụi mù mịt hình phễu. Sau một phút im lặng, anh Khiết rời vị trí điểm hoả tiến lại hố nổ, tín hiệu bộ đàm từ anh thông báo: Vụ nổ an toàn, thành công, cả đội tập trung san lấp hố nổ! Kết thúc một vụ hủy đạn tại chỗ, mà ngày nào hầu như đội xử lý bom mìn cũng thực hiện.