Big C tại Việt Nam
Trong thương vụ này, tập đoàn đa quốc gia Casino của Pháp bỏ túi 1,04 tỷ USD, giảm tổng nợ xuống 4,7 tỷ USD
Casino đã khởi động chương trình gỡ nợ từ năm ngoái, bao gồm bán lại Big C Việt Nam, các chi nhánh Thái Lan cũng như nhiều tài sản tại Mỹ Latin. Năm ngoái cơ quan xếp hạng Standard & Poor đã hạ bậc nợ của Casino xuống thấp nhất. Casino từng ăn nên làm ra tại Mỹ Latin, nhưng cuộc suy thoái tại Brazil đã dẫn đến giảm doanh thu và lợi nhuận và điều này ảnh hưởng xấu tới khả năng trả nợ của Casino.
Central Group với nhiều ngành từ khách sạn, nghỉ mát tới bất động sản và nhà hàng cũng chào giá khi Casino tiến hành bán lại cơ nghiệp tại Thái, nhưng đã để mất vào tay Charoen Sirivadhanabhakdi. Tài phiệt này đã mua lại 58,6% cổ phần trị giá 3,5 tỷ USD tháng trước.
Đây là thương vụ mới nhất trong làn sóng mua lại và sát nhập ở Việt Nam bởi các ông trùm Thái Lan, nhắm vào các công ty hàng tiêu dùng có tiềm năng lớn với thị trường là tầng lớp trung lưu đang phát triển.
Năm ngoái, Singha Group của người giàu thứ 7 Thái Lan đã bỏ ra 1,1 tỷ USD mua lại cổ phần công ty con của Masan Group, một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Theo dữ liệu của Dealogic, các hợp đồng tại Việt Nam tính từ tháng 1 tới giờ đã có tổng trị giá 1,8 tỷ USD, kỷ lục so với cùng kỳ 8 năm vừa qua.
Big C Việt Nam thành lập năm 1998, có mạng lưới gồm 43 cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm, thu về 586 triệu euro trong năm 2015. Bằng việc mua lại Big C, Central Group sẽ củng cố vai trò nhà đầu tư nước ngoài của mình. Người sở hữu Central Group, Tos Chirathivat giàu thứ 3 Thái Lan, với tài sản trị giá 12,3 tỷ USD. Hiện toàn bộ tập đoàn có 4400 chi nhánh có doanh số tới 7,5 triệu USD.