Dân Việt

"Con muốn đứng gần và nhìn rõ mặt Thủ tướng được không ạ?"

Hứa Phương - Trần Đáng 30/04/2016 11:18 GMT+7
“Con đứng ở gần cuối hội trường hơi xa, con muốn được đứng gần để nhìn rõ mặt Thủ tướng hơn được không ạ?”, đó là câu nói mộc mạc của chị Trần Thị Hồng Thương (nữ công nhân ở tỉnh Bình Phước) trong buổi Thủ tướng tiếp xúc và giải đáp thắc của của công nhân ở tỉnh Đồng Nai, sáng 30.4.

Ngay khi bước vào phần công nhân đặt câu hỏi để Thủ tướng trả lời, ở giữa hội trường, một nữ công nhân đứng lên chưa đặt câu hỏi ngay, mà nói một câu rất thân thương: “Con đứng ở gần cuối hội trường hơi xa, con muốn được đứng gần để nhìn rõ mặt thủ tướng hơn được không ạ?”. Câu nói này của chị Thương đã khiến 3.000 công nhân có mặt trong hội trường vỗ tay. Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rời ghế ngồi đi đến tận vị trí của nữ công nhân này. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bắt tay, ân cần hỏi thăm cuộc sống và công việc của nữ công nhân.

img

Sáng 30.4, Tết Lao động năm 2016 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được tổ chức tại Nhà thi đấu tỉnh Đồng Nai. Năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến gặp gỡ với 3.000 công nhân, lao động của các tỉnh trọng điểm phía Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi, giải đáp những băn khoăn, mong mỏi của công nhân, lao động (CNLĐ) xung quanh một số vấn đề về giải pháp nâng cao tiền lương, thu nhập cho CNLĐ, kìm chế tăng giá mỗi khi tăng lương, những chính sách hỗ trợ, điều kiện để CNLĐ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có nhà lưu trú, xây dựng thêm nhà trẻ để CNLĐ yên tâm sản xuất, những biện pháp để các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân.

Chia sẻ về cảm xúc lần đầu tiên được đứng gần người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, chị Thương hồi hộp nói rằng: “Con rất hạnh phúc, con cảm ơn chú!”.

Công nhân Trần Thị Hồng Thương đặt câu hỏi: Hiện nay bữa ăn tăng ca của chị em công nhân rất thấp, thực phẩm bẩn tràn lan nên mọi người rất lo lắng. Với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có biện pháp nào để kiểm soát?

Đứng ngay cạnh nữ công nhân, Thủ tướng trả lời: "Vấn đề này được Đảng vào Nhà nước rất quan tâm, mới đây Chính phủ đã họp tất cả các tỉnh đề nghị kiểm soát vấn đề này. Tôi đề nghị công đoàn các cấp, chủ DN phải công khai thực đơn, mức ăn, giá cả… để mọi công nhân giám sát, đừng để thất thoát khi đi chợ, đây là nhu cầu bức thiết, rất lớn của công nhân.

Phải có nguồn thực phẩm sạch cho công nhân, ông chủ tịch phường, chủ siêu thị, quản lý chợ… phải chịu trách nhiệm thực phẩm sạch. Nếu xảy ra thực phẩm bẩn thì chính quyền địa phương, Đảng ủy phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước công nhân về thực phẩm. Nếu ai gây ra, nơi nào xảy ra thì phải xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự".

Ngay sau đó, công nhân Anh Thơ (KCN Amata Biên Hòa, Đồng Nai) hỏi: Thu nhập của công nhân hiện nay rất thấp, Thủ tướng có kế hoạch gì để cải thiện vấn đề này?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: "Hoan nghênh ý kiến của công nhân Thơ. Tôi có hỏi một loạt công nhân đón ở cổng, công nhân cho biết thu nhập từ 5-10 triệu, tuy nhiên đời sống của công nhân còn nhiều khó khăn, vừa rồi Tổng LĐLĐ đề nghị tăng lương lên 14%, có nhiều ý kiến chỉ tăng 6-10%. Trước tình hình đó, tăng 12%, là hợp tình hợp lý, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Công đoàn Việt Nam với công nhân. Mức tăng đó làm cho đời sống công nhân cả nước tốt hơn trước".

Còn anh Trịnh Anh Tuấn (công nhân công ty tại Bình Dương) đặt câu hỏi: Vừa rồi như Thủ tướng chia sẻ về tăng tiền lương cho người lao đồng, nhưng cứ mỗi lần tăng lương thì giá cả thị trường cũng tăng theo. Đây là nỗi lo của người lao động, qua buổi gặp gỡ hôm nay, Thủ tướng có biện pháp gì giúp người lao động bớt khó khăn?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trước hết Nhà nước giữ chỉ tiêu lạm phát không được tăng, khi lạm phát tăng thì Nhà nước sẽ có biện pháp bình ổn giá. Các tỉnh ở phía Nam cung ứng đầy đủ, cùng với việc giữ giá ổn định, cùng với việc tăng 12%, sẽ có nhiều điểm bán lẻ thích hợp, tốt nhất dành cho công nhân, góp phần cho quỹ giá cả và mức lương đảm bảo cho đời sống của công nhân. Đảm bảo tốt cho bữa ăn công nhân, đời sống tinh thần tốt hơn những năm trước đây.

Chị Trịnh Thị Mai Anh (KCN Bến Lức, tỉnh Long An) hỏi: Với mức thu nhập như hiện nay, chúng tôi có cố gắng tích lũy mua được căn nhà là mơ ước, việc gửi con gặp nhiều khó khăn? Thủ tướng có biện pháp gì giúp đỡ chúng tôi?

Thủ tướng trả lời: "Vấn về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo cho các cháu con em công nhân đang còn nhiều bất cập, làm cho đời sống thực tế của công nhân khó khăn. Tôi ghi nhận ý kiến này và yêu cầu các KCN, các tỉnh, thành trong cả nước cần phải xây dựng các KCN kèm theo các chính sách, đảm bảo hỗ trợ nhà ở, nhà trẻ cho con em công nhân. Vấn đề này cần đẩy mạnh xã hội hóa, công ty khi mở nhà máy phải xây dựng chỗ ở cho công nhân, đồng thời với đó là nhà trẻ. Đừng để công nhân lao động đi làm cả ngày mà không có chỗ gửi con. Đảng và Nhà nước ghi nhận ý kiến này để hỗ trợ công nhân trên cả nước".

Chùm ảnh PV Dân Việt ghi nhận trong buổi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc với công nhân lao động:

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến cuộc gặp với 3.000 công nhân.

img

A2: Thủ tướng ân cần hỏi thăm cuộc sống, công việc của công nhân.

img

Thủ tướng bắt tay những công nhân tiêu biểu.

img

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam được mời ngồi trên chiếc ghế mà anh chị em công nhân vẫn ngồi làm việc hằng ngày.

img

Anh Thơ (KCN Amata Biên Hòa, Đồng Nai) đặt câu hỏi với Thủ tướng.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của công nhân.

img

Sau yêu cầu của nữ công nhân Trần Thị Hồng Thương (ở tỉnh Bình Phước), Thủ tướng Phúc đã đến vị trí của công nhân này ân cần hỏi thăm, lắng nghe và trả lời câu hỏi.

img

Công nhân vui vẻ nghe trả lời của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

img

Tham gia cuộc gặp của Thủ tướng với công nhân còn có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP.HCM.