Dân Việt

Chuyên gia Nga dè bỉu ý tưởng chế tạo chiến đấu cơ của Ukraine

Minh Anh 02/05/2016 21:59 GMT+7
Mới đây, truyền thông Ukraine đã đưa tin về việc chính phủ Kiev đang rục rịch phát triển một mẫu máy bay chiến đấu mới, tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga, Vladimir Tuchkov đã gọi đây là một ý tưởng cũng vô cùng “đáng sợ”.

Phát biểu tại Cục thiết kế máy móc Ivchenko-Progress vào hồi đầu tháng 4, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhấn mạnh rằng, Ukraine đang là một trong 5 nước trên thế giới có khả năng sản xuất máy bay hoàn toàn bằng nguồn lực trong nước, đồng thời, tin tưởng rằng, các công ty quốc phòng nước này đủ khả năng tạo ra một loại động cơ nội địa cho các chiến đấu cơ trong tương lai gần.

Đến nay, truyền thông Ukraine cho biết, công ty Ivchenko-Progress thậm chí còn trình lên chính phủ một dự án phát triển chiến đấu cơ 2 ghế ngồi mới, có tên “Chiến đấu cơ hạng nhẹ (LBL)”.

Tờ Ekonomicheskie Izvestia của Ukraine tiết lộ rằng, mẫu máy bay mới sẽ có thiết kế gần giống tiêm kích MiG-29 do Liên-xô thiết kế nhưng khả năng chiến đấu của nó được trông chờ sánh ngang mẫu JAS 39 Gripen của Thụy Điển, MiG-35 của Nga hay FC-1 Xiaolong của Trung Quốc.

img

Máy bay mới của Ukraine sẽ giống với MiG-29 do Liên-xô thiết kế

Nhận định về thông tin này, chuyên gia quân sự Vladimir Tuchkov, người đang là nhà phân tích cấp cao cho tờ báo Svobodnaya Pressa (Nga), cho rằng, ý tưởng của Ukraine là vô cùng “thú vị”, tuy nhiên, nó cũng đáng sợ vì nhiều lí do.

Thứ nhất, công ty Ivchenko-Progress, thành lập từ năm 1945 và không còn ở thời hoàng kim, đã tham gia vào một vài dự án phát triển động cơ máy bay, tuy nhiên, kinh nghiệm của họ là đối với động cơ máy bay chở khách hoặc máy bay  vận tải cơ cỡ lớn như Ruslan và Mriya.

“Một máy bay MiG-29 khi không có động cơ nặng 8 tấn. Nếu bê nguyên 2 động cơ D-18T Ruslan của Ukraine lên chiếc máy bay này, trọng lượng sẽ tăng lên gấp đôi. Vì 2 động cơ quá to nên nó sẽ phải xếp sát nhau với chiều ngang là 4,6 mét. Trong khi sải cánh là 11 mét, chiếc MiG-21 sẽ có hình dạng vô cùng kì lạ chứ chưa nói đến khả năng làm việc và tiêu thụ nhiên liệu”, ông Tuchkov cho hay.

Ngoài ra, chưa có nhà thầu quân sự nào của Ukraine có kinh nghiệm chế tạo các động cơ máy bay với thùng đột phụ, hệ thống nhằm giúp máy bay bay được ở tốc độ siêu âm hoặc thay đổi véc-tơ đẩy. 

Đối với các hệ thống điện tử hàng không, ông Tuchkov nhận định rằng, viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của Ukraine - Kvantum không thể có khả năng tạo ra một hệ thống radar hiện đại trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất như hiện nay.

Tờ Ukrainskie Natsionalniye Novosti tiết lộ Ukraine có thể mua các hệ thống điện tử hàng không từ phương Tây, tuy nhiên, theo ông Tuchkov, điều này giống như “khoa học viễn tưởng” do không nước nào trên thế  giới lại chấp nhận cung cấp vũ khí hiện đại cho một đất nước bất ổn và đang trong thời gian trong chiến tranh.

“Bên cạnh đó, ý tưởng về một máy bay chiến đấu đa nhiệm  mới của Ukraine sẽ không được đề cao bởi bất kì nước phương Tây do họ thừa hiểu rằng, ý tưởng thiết kế và nền kinh tế Ukraine là không đủ để biến dự án này thành hiện thực”, chuyên gia Tuchkov nói.

Ngoài ra, một điều quan trọng hơn cả là ở thời điểm hiện tại, Ukraine không thể có đủ điều kiện tài chính để đầu tư cho dự án này vì nên kinh tế đã đi vào khủng hoảng sâu và nợ đầm đìa các nhà tín dụng quốc tế.

Những người Ukraine đang sinh sống tại Canada đã vận động chính phủ Canada hỗ trợ cho Kiev một vài máy bay chiến đấu McDonnell Douglas F/A-18 Hornets cũ, tuy nhiên, chính quyền Kiev lúc đó đã từ chối điều này chỉ vì không có đủ tiền để sửa chữa và vận hành các máy bay nói trên.