Tin tức từ Khmer Times cho biết, cuối tuần vừa qua, Bộ Nông nghiệp Campuchia cho biết có khoàng 65 tấn cá chết tại hồ do nhiệt độ tăng quá cao ở vùng nước nông.
Ông Eng Cheasan, Cục trưởng Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia cho biết: “Nhiệt độ 40-41 độ C khiến nước vùng nước nông ở đây trở nên nóng bỏng hơn, khiến cá chết hàng loạt”.
Lượng mưa năm 2015 ở Campuchia dưới mực trung bình khiến nhiều nơi khô hạn. (Ảnh: Reuters).
Để giải quyết tình trạng này, những cơ quan chức năng Campuchia đã đồng thời tiến hành hàng loạt biện pháp khác nhau như thả lục bình và liên tục bơm nước tuần hoàn vào hồ bảo tồn Tonle Chhmar để hạ nhiệt nguồn nước ở đây. Từ 25.4 tới nay, 3 hectar lục bình đã được thả vào hồ bảo tồn, hiện tượng cá chết đã không còn nữa. Dự kiến trong những ngày tiếp theo, Campuchia sẽ thả 4 hectar lục bình.
Tuy hiện tượng cá chết tạm thời chấm dứt nhưng những nhà quản lý Campuchia vẫn lo ngại về những diễn biến thời tiết phức tạp trong những tháng tiếp theo khi nhiệt độ tiếp tục tăng cao và lượng mưa duy trì ở mức thấp.
Ông Cheasan cho biết, nếu hiện tượng thời tiết cực đoan này tiếp tục xảy ra, mực nước thấp đáng báo động sẽ tiếp tục đe dọa tới số lượng cá đang sống tại đây. Nếu một tháng tới không có mưa, những biện pháp như bơm nước tuần hoàn cũng khó có thể cứu được cá. Lục bình vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất hiện tại.
Hồ Tonle Chhmar trước đây thông với Tonle Sap (Biển Hồ) nhưng hiện tại đang bị ngăn cách bởi dải đất rộng 5km do hạn hán. Biển Hồ là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997. 75% sản lượng cá nước ngọt được khai thác Biển Hồ nhưng nơi đây đang có nguy cơ bị san lấp vì lượng phù sa đổ về.