Nếu được Chính phủ đồng ý cho xây dựng, tuyến giao thông thủy Xuyên Á trên sông Hồng sẽ được thông suốt từ Lào Cai về Hải Phòng - Ảnh minh họa: Anh Quân
Theo báo cáo dự án của nhà đầu tư là Công ty TNHH Xuân Thiện có trụ sở tại Ninh Bình, để thực hiện dự án này nhà đầu tư sẽ xây dựng 3 hoặc 6 đập dâng nước kết hợp với thủy điện và nạo vét luồng lạch đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai dài 288 km.
Đồng thời, nhà đâu tư sẽ xây dựng bảy cảng dọc tuyến bao gồm: cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), và cảng phía Bắc (Hà Nội) để vận chuyển khoáng sản, vật liệu xây dựng cho các địa phương dọc tuyến đường thủy đi qua.
Dự án có tổng mức đầu tư tạm tính là 24.510 tỉ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu, phần còn lại sẽ được vay thương mại.
Nhà đầu tư đề xuất thực hiện theo hình thức BOO (xây dựng- sở hữu-vận hành) và dự tính sẽ thu phí luồng lạch từ 10.000 đến 45.000 đồng/tấn (tùy theo từng đoạn); giá bán điện ban đầu tạm tính là 1.900 đồng/Kwh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/Kwh thì dự án sẽ hoàn vốn với thời gian khoảng 25 năm.
Nhà đầu tư khẳng định, dự án giao thông thủy Xuyên Á khi được xây dựng sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt từ Lào Cai đến Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 đến 600 tấn, kết hợp sản xuất điện với tổng công suất khoảng 228 MW tương đương 912 triệu kWh/năm.
Bên cạnh đó, dự án sẽ đảm bảo mực nước dâng tại các vị trí đập thiết kế luôn thấp hơn mực nước lũ hàng năm, do đó ít ảnh hưởng ngập lụt, cũng như không ảnh hưởng đến môi trường và hầu như không làm thay đổi so với hiện trạng.
Tuy nhiên, khi dự án này được trình lên Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa lo ngại nếu số công trình đập giao thông kết hợp với thủy điện nhiều sẽ ảnh hưởng tới quá trình vận tải lưu thông trên tuyến cũng như gây ra những sự bất tiện cho các phương tiện thủy.
Về hiệu quả kinh tế, theo tính toán của nhà đầu tư, các lợi ích xã hội lượng hóa bằng tiền ước tính khoảng 2.700 tỉ đồng/năm, bao gồm, tiết kiệm chi phí vận tải hàng hóa đường bộ khoảng 600-750 tỉ đồng/năm; góp phần làm tăng GDP các tỉnh trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của dự án khoảng 5% GDP tương đương khoảng 2.100 tỉ đồng/năm.
Trước đó, vào tháng 12-2015, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ dự án, lập báo cáo thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án này; đồng thời, hướng dẫn Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án này.
Ngoài dự án này do nhà đầu tư đề xuất, hiện tại Bộ GTVT đang thực hiện dự án phát triển giao thông khu vực đồng bằng Bắc Bộ (WB6).
Dự án WB6 được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ với tổng mức đầu tư 200 triệu đô la Mỹ, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 170 triệu đô la Mỹ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 30 triệu đô la Mỹ.
Trong đó, giai đoạn 1 dự án sẽ xây dựng tuyến hành lang đường thủy số 1 (Việt Trì - Quảng Ninh qua sông Đuống), là hành lang đường thủy trọng yếu của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, với kinh phí đầu tư khoảng 60 triệu đô la Mỹ. Giai đoạn này đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển vận tải thủy giữa các khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Việt Trì, giúp cho các tàu, đặc biệt là tàu container, có thể vào sâu trong đất liền để chở hàng.
Còn giai đoạn 2 cải tạo hành lang đường thủy số 3 (Hà Nội - Lạch Giang), xây dựng kè chắn, kè bảo vệ bờ, lắp đặt phao tiêu báo hiệu toàn tuyến và đầu tư cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang với giá trị xây lắp là 110 triệu đô la Mỹ.
Nếu Chính phủ đồng ý cho xây dựng dự án giao thông thủy Xuyên Á, thì dự án này cùng với dự án WB6 sẽ tạo thành một mạng lưới đường thủy thông suốt các tỉnh phía Bắc, giúp giảm tải cho việc vận chuyển bằng đường bộ, còn doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vì cước vận tải đường thủy rẻ hơn so với đường bộ.