“Chúng tôi sẽ nhận được các hệ thống tên lửa đánh chặn S-500 trong tương lai gần. Có thể là ngay trong năm 2016 hoặc 2017”, Trung tướng Viktor Gumyonny, chỉ huy lực lượng phòng không của không quân Nga, nói với kênh truyền hình Rossiya-24 vào hồi tháng 4.
S-500 sẽ đóng vai trò là lớp phòng thủ cao nhất của toàn bộ mạng lưới tên lửa phòng không Nga do nó có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 200km và tầm xa 600km. Như vậy, S-500 có khả năng bắn hạ vệ tinh tầm thấp và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa hành trình.
S-500 sẽ đóng vai trò là lớp phòng thủ cao nhất trong mạng lưới phòng không của Nga
Hệ thống này có thể tiêu diệt cùng lúc 10 mục tiêu bay ở tốc độ khoảng 7 km/s. Theo nhiều nguồn tin, Nga đã phát triển S-500 đánh chặn theo kiểu va chạm trực tiếp giống với hệ thống đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Như những hệ thống phòng không hiện đại của Nga, S-500 có tính cơ động cao và sử dụng một mạng lưới radar rộng lớn để dò tìm mục tiêu. Tuy nhiên đến thời điểm này, loại đạn tên lửa nào trang bị cho hệ thống S-500 vẫn chưa được tiết lộ.
Về cơ chế phóng, S-500 được thiết kế để phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng. Sau khi phóng, tên lửa bay theo hướng nghiêng phía mục tiêu định tiêu diệt, như vậy có thể đáp trả các đòn tấn công tập kích đường không của địch trên mọi hướng.
Cùng thời gian phát triển S-500, Nga cũng đang tiếp tục thử nghiệm hệ thống S-350 Vityaz để thay thế S-300PS. Một tổ hợp S-350 sẽ bao gồm một xe chỉ huy, 2 radar và 12 ống phóng tên lửa. S-350 cũng sử dụng kiểu đánh chặn va chạm trực tiếp như S-400 với tầm đánh chặn là 120km và tầm cao 30km. Nó có thể đánh chặn 16 mục tiêu cùng lúc.
Hệ thống tên lửa phòng không S-350
Như vậy, mạng lưới tên lửa phòng không Nga chuẩn bị bao gồm đẩy đủ các hệ thống Buk-M3, S-300VM4, S-350, S-400 và S-500. Các hệ thống này sẽ hình thành một mạng lưới phòng thủ đa lớp và tạo ra nhiều cơ hội đánh chặn mục tiêu hơn.