Dân Việt

"Luật riêng" gây khó: BĐS kêu ca

Nam Hải 05/05/2016 11:21 GMT+7
Tại Hội nghị đối thoại Thủ tướng với DN mới đây, đại diện doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đã có ý kiến đến một quy định riêng cho các DN ngành này đang gây ra nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để tạo thuận lợi cho DN kinh doanh cũng như gỡ nợ xấu cho ngân hàng.

Cụ thể, hiện đang có quy định riêng đối với DN BĐS không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh BĐS để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ. Điều này đã có từ lâu và từng được đề xuất sửa đổi nhưng vẫn chưa thành hiện thực nên các DN lại phải một lần nữa kêu tới Thủ tướng. 

Trong bản ý kiến của giới BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho biết, quy định hiện hành, hầu hết các ngành nghề đều được Nhà nước cho phép hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế TNDN. Nhưng cơ chế này lại không được áp dụng đầy đủ cho kinh doanh BĐS vì theo quy định thì kinh doanh BĐS  phải được hạch toán riêng. 

Ông Châu giải thích: "DN được lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh BĐS thua lỗ nhưng không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh BĐS để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ".

img

Doanh nghiệp BĐS gặp khó vì luật

Với người ‘ngoại đạo’, đây là một thông tin bất ngờ nhưng với giới BĐS đây như là ‘luật riêng’ đã có từ lâu. Cụ thể, luật thuế 32/2013/QH 13 sửa đổi luật thuế TNDN ghi rõ, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế.

Còn theo Nghị định số 218/NĐ-CP, Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành luật thuế TNDN, trường hợp trong các kỳ tính thuế trước, DN đang bị lỗ  thì phải chuyển lỗ tương ứng với các hoạt động có thu nhập… và được lưu ý là không bao gồm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS.

Thực tế, DN đã nhiều lần góp ý sửa đổi quy định này, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế được xây dựng cuối năm 2014, Bộ tài chính có đề xuất sửa đổi điều này trong phần liên quan đến Luật thuế TNDN. 

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cho bổ sung quy định DN được bù trừ lãi từ chuyển nhượng BĐS với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh.  Theo cơ quan soạn thảo, điều này là phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đặc biệt, nó sẽ tạo cơ sở để  góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu.  Tuy nhiên, đề xuất này sau đó vẫn chưa thành hiện thực.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, bên cạnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN đa ngành có kinh doanh BĐS thì điều này có ảnh hưởng lớn đến hoạt động xử lý nợ xấu hiện nay. Ông này lưu ý, đa số các khoản nợ xấu hiện nay đều có tài sản đảm bảo bằng BĐS và cái khó nhất của nợ xấu lại chính là xử lý tài sản đảm bảo. Và thật khó xử khi DN vẫn có lãi nhưng vẫn không thể chuyển qua để xử lý nợ.

img

Thị trường BĐS còn nhiều khó khăn

Theo khảo sát của hãng tư vấn thuế E&Y các nước trong khu vực hiện vẫn còn nhiều quy định khách nhau về vấn đề này. 

Ở một số nước như Thái Lan, Singapore, Trung quốc… luật cho phép được lợi nhuận và lỗ của các hoạt động kinh doanh và chuyển nhượng BĐS được bù trừ khi tính thuế TNDN, tạo thuận lợi cho DN tối ưu thuế.

Hiện chỉ còn Việt Nam và Malaysia vẫn chưa cho phép bù trừ lợi nhuận/lỗ của các hoạt động kinh doanh với nhau. Lợi nhuận từ chuyển nhượng BĐS vẫn phải kê khai riêng cho dù DN có lỗ từ hoạt động kinh doanh.

Ông Châu cho rằng, cần bỏ quy định này và cho phép được bù trừ lỗ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác với lợi nhuận từ kinh doanh BĐS để phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết.

“Đây là quy định bất hợp lý và không còn phù hợp với tinh thần đổi mới khi xây dựng Luật Đầu tư 2014 đã quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Hơn nữa, trong cùng một DN thì các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều được đầu tư từ nguồn vốn của DN, có vai trò hỗ trợ lẫn nhau và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chính là kết quả tổng hợp của các hoạt động trên”, ông Châu phân tích. 

Trong khi đó, chuyên gia đến từ VCCI và Hiệp hội BĐS cũng cho rằng, BĐS là một ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến nhiều ngành khác: từ xây dựng  - thiết kế - nội thất - cơ khí - điện... Một thống kê cho thấy, có tới hơn 20 ngành sẽ bị ảnh hưởng khi BĐS khó khăn và kéo theo đó là hàng vạn lao động bị ảnh hưởng như thời gian qua. Vì thế, nếu tách biệt hoạt động BĐS trong DN sẽ là hạn chế gây khó khăn cho biết DN khi trường biến động hay muốn tối ưu nguồn vốn để sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, TGĐ Công ty GP Invest cho rằng: “Mỗi khi xẩy ra những biến cố của thị trường BĐS thì tất yếu cả nền kinh tế và đời sống xã hội cũng đều chịu chung hậu quả. Mà đã như vậy thì việc chăm lo và tạo nguồn để phát triển thị trường BĐS rõ ràng là một vấn đề tất cả chúng ta cần quan tâm một cách đúng mức”.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, các DN được chủ động với kế hoạch tài chính của mình. Chuyển nhượng BĐS là một hoạt động kinh doanh bình đẳng như các kinh doanh khác thì việc sử dụng đồng lãi từ BĐS để bù trừ lỗ cho hoạt động chính việc bình thường, tạo điều kiện DN chủ động với kế hoạch đầu tư dài hạn của mình, tối ưu hóa nguồn vốn đề đầu tư phát triển.

Xét từ góc độ kinh doanh, các chuyên gia cho rằng, cần gỡ bỏ quy định trên để tạo một môi trường bình đẳng không chỉ cho BĐS mà cả nền kinh tế.