Nhiều Bộ “ủng hộ, thống nhất”
Đề xuất thực hiện “siêu dự án” giao thông thủy kết hợp thủy điện được Bộ KHĐT chủ trì nghiên cứu, thu thập ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Các Bộ đã cho ý kiến vào đề xuất thực hiện “siêu dự án” dọc sông Hồng với tổng mức đầu tư 24.510 tỉ đồng là: Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ TNMT và Bộ Công thương.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Trong quá trình phê duyệt Đề xuất dự án và Báo cáo Nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến quản lý ngành, như bổ sung quy hoạch một số cảng chưa có trong quy hoạch.
Bộ TNMT thì bày tỏ thống nhất với sự cần thiết thực hiện dự án và đề nghị bổ sung làm rõ nhu cầu sử dụng đất của dự án trên địa bàn từng tỉnh, thành phố; bổ sung các biện pháp phòng, chống sạt, lở bờ sông khi thực hiện nạo vét, kết hợp công trình chỉnh trị sông Hồng đoạn Việt Trì – Lào Cai. Đồng thời, làm rõ tác động của dự án đến môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội trong vùng.
Bộ Quốc phòng và Bộ Xây dựng cùng có văn bản thể hiện sự thống nhất về chủ trương và hình thức đầu tư “siêu dự án” kể trên.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lưu ý đề xuất dự án được lập phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường thủy nội địa Việt Nam. Quá trình triển khai thực hiện cần nghiên cứu để khẳng định tính chính xác về số lượng bậc thang đập thủy điện.
Về việc kết hợp khai thác thủy điện tại các đập dâng trong dự án, Bộ Công thương đã ủng hộ chủ trương giao cho Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu đầu tư theo đúng quy định. Trong trường hợp dự án được đồng ý chủ trương đầu tư, Bộ Công thương yêu cầu Nhà đầu tư trình hồ sơ để xem xét bổ sung các nhà máy thủy điện trong Dự án vào quy hoạch.
Còn Bộ NN&PTNT đã yêu cầu làm rõ tác động của dự án đến ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, bồi lắng trước công trình, an toàn hệ thống đê điều, tiêu thoát nước, tác động đến mất cân bằng cát vùng hạ du do lương bùn cát được giữ lại khi có công trình, tác động đến nông nghiệp, đất rừng, di dân tái định cư. Dự án còn phải phù hợp quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông, quy hoạch GTVT và quy hoạch phát triển điện lực.
Băn khoăn năng lực chủ đầu tư
Ý kiến Bộ Tài chính đã bày tỏ băn khoăn về tiềm lực tài chính của nhà đầu tư.
Cụ thể, dự án đưa ra tổng mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí lãi vay), cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay thương mại là 30/70, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cần phải huy động là hơn 7.350 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ hiện có của Công ty TNHH Xuân Thiện chỉ là 1.200 tỷ đồng.
Vì vậy, nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, phương án và khả năng huy động vốn chủ sở hữu để thực hiện. Ngoài ra, đề nghị Nhà đầu tư bổ sung phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng đảm bảo đủ khả năng tài chính để thực hiện Dự án.
Về hình thức đầu tư BOO, Bộ Tài chính cho rằng dự án bao gồm nhiều họp phần công trình trong đó có hợp phần công trình kết cấu cơ sờ hạ tầng do Nhà nước quản lý. Vì vậy, cần làm rõ về phương thức quản lý các hợp phần công trình, thời gian khai thác, mối quan hệ pháp lý giữa Nhà đầu tư và các tài sản kết cấu hạ tầng của Nhà nước.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra rủi ro đối với chủ đầu tư khi lấy nguồn thu chính là từ việc bán điện.
Cụ thể, theo tính toán của chủ đầu tư, giá bán điện giai đoạn 2021 - 2026 là 1.900đ/KWh và tăng dần trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn từ 2020 - 2030 và giai đoạn năm 2030 cơ cấu nguồn điện thay đổi theo hướng nguồn thủy điện giảm dần, các nguồn nhiệt điện than và điện tái tạo tăng lên, đồng thời ưu tiên vận hành nhà máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc.
Điều này đồng nghĩa với giá bán điện từ nguồn thủy điện sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, Nhà đầu tư có thể dứng trước rủi ro không bán được điện do không cạnh tranh được về giá. Như vậy, giá bán điện của Dự án từ lợi thế nguồn thu như báo cáo phân tích sẽ trở thành rủi ro tài chính lớn của Dự án, không đảm bảo được hiệu quả Dự án.