Dân Việt

Siêu dự án sông Hồng và cảnh báo một tư duy nguy hiểm

Phạm Trung Tuyến 06/05/2016 06:30 GMT+7
Bất cứ ý tưởng độc chiếm nào đối với dòng sông này cũng sẽ mang lại những tác động tiêu cực tới tất cả cộng đồng sinh sống cùng dòng sông.

Với tính chất nghiêm trọng và những tác động khó lường của việc can thiệp vào dòng sông Hồng, siêu dự án sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện có thể sẽ không được thông qua cho dù Bộ Kế hoạch đầu tư đã đánh giá là “cần thiết”. Tuy nhiên, ý tưởng sở hữu sông Hồng của một doanh nghiệp như Xuân Thiện cần được nhìn nhận như một thứ tư duy nguy hiểm.

Sông Hồng, với dòng chảy dài hơn 500 km xuyên qua chiều ngang rộng lớn của đất nước là một đại công trình thủy lợi tự nhiên trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Đó là tài sản quốc gia, và bất cứ ý tưởng độc chiếm nào đối với dòng sông này cũng sẽ mang lại những tác động tiêu cực tới tất cả cộng đồng sinh sống cùng dòng sông.

Dự án do Công ty Xuân Thiện đề xuất và đã được Bộ Kế hoạch đầu tư tiếp nhận, đánh giá và trình Thủ tướng phê duyệt với hình thức đầu tư BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành) tức là không có điều kiện chuyển giao. Như vậy, nếu được chấp thuận, Xuân Thiện sẽ vĩnh viễn sở hữu toàn bộ dòng chảy của sông Hồng, không những biến dòng sông này thành tuyến đường thủy độc quyền khai thác của doanh nghiệp mà còn nắm quyền điều tiết toàn bộ dòng sông bằng 6 công trình thủy điện.

Ý tưởng đó trở nên nguy hiểm khi được Bộ Kế hoạch đầu tư tiếp nhận và xác định là một dự án cần thiết của quốc gia khi mà không chỉ chưa hề có những đánh giá tác động cụ thể, mà thậm chí những căn cứ tối thiểu còn chưa được làm rõ.

Dự án này sẽ tác động ra sao đối với mức độ ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, sạt lở, an toàn đê điều...? Tất cả những câu hỏi này đều chưa được trả lời.

img

Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất xây 6 công trình thủy điện trên sông Hồng. 

Kỳ lạ hơn, mặc dù đề xuất xây dựng 6 công trình thủy điện, nhưng cho đến thời điểm này thì vị trí đặt các đập thủy điện đó vẫn chưa được xác định. Thậm chí cũng chưa hề có trong quy hoạch ngành của Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Căn cứ để xác định tổng vốn đầu tư với con số 24.510 tỷ đồng cũng chưa hề có. Ý kiến của Bộ Tài chính đối với dự án này, được báo Tuổi trẻ dẫn nguồn, cho biết là “dự án không đảm bảo khả năng tự hoàn vốn”, các tính toán của doanh nghiệp mới là sơ bộ, chưa thể hiện rõ sử dụng công nghệ nào, phương án giải phóng mặt bằng ra sao, giải quyết lãi vay theo cách nào...

Với những thông tin trên, có thể nhìn thấy, dù chưa hề có những nghiên cứu, phân tích, tính toán cụ thể về những vấn đề liên quan, song Xuân Thiện vẫn tự tin ấn định số tiền đầu tư và trình đề án để sở hữu sông Hồng. Vì sao lại có sự tự tin này? Phải chăng đây là một “kinh nghiệm” của  Xuân Thiện, rằng: Chiếm hữu được tài nguyên quốc gia thì kiểu gì cũng thành công!

Xuân Thiện là một doanh nghiệp thuộc tập đoàn Xuân Thành, đi lên từ những dự án xây dựng hạ tầng ở Ninh Bình, sau đó là xi măng. Có lẽ, kinh nghiệm từ việc sở hữu nguồn tài nguyên đá vôi ở Ninh Bình đã làm nên sự tự tin này.

Nếu lý do để Xuân Thiện đề xuất một siêu dự án vô tiền khoáng hậu đối với sông Hồng mà không cần tính toán xuất phát từ tư duy chiếm hữu tài nguyên bằng mọi giá thì đây thực sự là một tư duy nguy hiểm. Và tất cả những ai có trách nhiệm với tương lai đất nước thì không thể dễ dãi cổ vũ cho tư duy này.