(Ảnh minh họa)
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (TTTMLG VN), cho biết trong đời sống kinh doanh hiện nay, việc cạnh tranh không lành mạnh diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, từ trốn thuế, gian lận đấu thầu hoặc làm nhái, làm giả sản phẩm, giả thương hiệu của doanh nghiệp khác.
“Trong các loại hình cạnh tranh không lành mạnh, có hình thức bán hàng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) của một số doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu, hàng chính hãng như mỹ phẩm, giày dép, quần áo, túi xách, đồng hồ, mắt kính… Loại gian lận này diễn ra trong nhiều năm nhưng dường như việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng (thuế, quản lý thị trường) đã bỏ sót. Điều này gây thiệt hại rất lớn đối với những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật kinh doanh và có trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước”, luật sư Hậu khẳng định.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan thuế quản lý thế nào đối với hình thức bán hàng qua mạng, giải pháp ra sao để tránh thất thu thuế cho nhà nước đối với những cửa hàng bán hàng hiệu nhưng không xuất hóa đơn GTGT.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ NNT Cục thuế TP.HCM, cho biết tại nghị định 51/2010/NĐ-CP đã quy định nghĩa vụ của người mua và người bán hàng là phải yêu cầu và phải xuất hóa đơn GTGT song thực tế điều này đã bị vi phạm phổ biến. Không chỉ kinh doanh hàng hiệu không xuất hóa đơn GTGT để trốn thuế mà kinh doanh các quán ăn, nhà hàng cũng không xuất hóa đơn. Còn về hình thức kinh doanh qua mạng rất khó quản lý vì họ không khai thuế, hình thức kinh doanh này không chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam mà từ lâu trên thế giới đã có, ví như UBER thuộc dạng như vậy.
“Để tránh thất thu thuế cho nhà nước, hiện ngành thuế mới đang triển khai chương trình quản lý đối với việc kinh doanh qua mạng”, ông Thiện nói.