Dân Việt

Chuyển từ đánh bắt truyền thống sang nuôi giữ hải sản, dân thu tiền tỷ

Hữu Lương 06/05/2016 15:28 GMT+7
Nhạy bén với thị trường và nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách, một số người dân ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) chuyển từ nghề đánh bắt truyền thống sang nuôi trữ hải sản tươi sống cho hiệu quả kinh tế cao.

Toàn Thị xã hiện có gần 30 hộ nuôi giữ hải sản sống, trong đó phường Thu Thủy là 24 hộ. Một trong những người đầu tiên làm nghề và trở thành triệu phú nhờ nuôi trữ hải sản tươi sống ở Cửa Lò là anh Nguyễn Văn Bình ở khối 4 phường Thu Thủy. Bên bể nuôi gần 200 m2 với đủ các loại hải sản sò, cua, cá…

img

Ghẹ tươi sống được nuôi trong bể để phục vụ du khách

Anh Bình chia sẻ: “Mặc dù thời gian bảo quản các mặt hàng hải sản tươi sống chỉ trong vòng 3 - 5 ngày nhưng việc chăm sóc đòi hỏi phải rất tỷ mỉ, cẩn thận, đúng kỹ thuật; chỉ chút sơ sẩy thôi, một con bị chết sẽ “lây” sang con khác, thiệt hại khó lường”.

img

 Nuôi, tích trữ hải sản đã trở thành nghề mang lại thu nhập cao ở Cửa Lò. Ảnh: Đức Anh.

Để thành công như hiện nay, anh Bình lặn lội ra Móng Cái (Quảng Ninh) học hỏi kỹ thuật nuôi giữ hải sản để làm sao trong vài ngày bảo quản tại nhà, hải sản không gầy đi mà vẫn đảm bảo tươi ngon. Kinh nghiệm học được đã giúp anh từng bước thành công, hải sản của cơ sở Vạn Bình do anh làm chủ được nhiều nhà hàng ở thị xã Cửa Lò lựa chọn để phục vụ cho du khách.

Không chỉ thế, anh còn mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành và xuất khẩu sang Trung Quốc mang lại doanh thu ngày một nhiều lên. Năm 2015 vừa qua, gia đình anh đã có lãi gần 1 tỷ đồng từ nghề nuôi trữ hải sản. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho 15 – 18 lao động  với mức lương trung bình từ 5- 9 triệu đồng/ người/ tháng.

img

Ghẹ được thu mua của dân để chuẩn bị nuôi giữ ở hộ chị Nguyễn Thị Phương khối 3 phường Thu Thủy.

Niềm vui còn được nhân lên gấp bội khi năm 2015 vừa qua anh Bình được Thủ tướng tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh. 

Cửa Lò hiện có hơn 30 hộ chủ yếu ở phường Thu Thủy đầu tư vào nghề nuôi trữ hải sản  và thu nhập bình quân mỗi hộ đạt trên 300 triệu đồng/năm.Cũng chuyển đổi sang nghề nuôi trữ hải sản tươi sống từ sớm là gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở khối 3 phường Thu Thủy. Từ năm 2010 đến nay, gia đình chị phương đã mở rộng bể nuôi từ 15m2  lên gần 30 m2  nên thu nhập của gia đình tăng lên trên 500 triệu đồng/năm.

Những ngày đầu mùa du lịch 2016, cơ sở của chị Phương xuất bán cho các nhà hàng khách sạn trên địa bàn thị xã và các tỉnh miền bắc từ 500 đến 700 kg hải sản các loại, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 2 triệu đồng. Chị Phương cho biết: “Nghề  này phải có vốn lớn để mua hải sản, mua xe ô tô vận chuyển. Hơn nữa, chất lượng hàng phải tốt và giữ chữ tín thì khách hàng mới tin dùng. Nước nuôi hải sản phải sạch  và máy sục khí tạo ô xy trong bể nuôi phải hoạt động thường xuyên thì hải sản mới sống được”.

img

  Phân loại ghẹ trước khi đưa vào nuôi.

Ông Nguyễn Minh Hiền – Chủ tịch Hội nông dân phường Thu Thủy cho biết: “Hội nông dân phường đã tích cực hỗ trợ bà con vay vốn để xây dựng bể nuôi và kinh doanh hải sản tươi sống bởi đây là Nghề đem lại thu nhập cao cho bà con vừa góp phần phục vụ du lịch của thị xã”.Nghề nuôi trữ hải sản tươi sống không chỉ phục vụ khách du lịch và xuất khẩu sang một số nước châu Á mà nó còn thúc đẩy nghề khai thác hải sản phát triển. Bởi các hộ này ngoài bao tiêu sản phẩm đánh bắt được của ngư dân còn hỗ trợ bà con vay vốn để đầu tư mua sắm ngư, lưới cụ phục vụ sản xuất.