V-22 Osprey (Chim ưng biển) là máy bay trực thăng đầu tiên có cánh quạt xoay trục thành phản lực cơ trên thế giới. Theo Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ, đây được xác định là máy bay vận tải đa dụng. Osprey có thể cất và hạ cánh đúng nghĩa một trực thăng, nhưng khi ở trên tàu sân bay, nó có thể xoay cánh quạt 90 độ trong 12 giây thành một phản lực cơ đúng nghĩa.
"Chim ưng biển" hạ cánh trên tàu sân bay.
V-22 có cấu trúc 43% làm từ composite tổng hợp và cánh quạt cũng bằng chất liệu bền bỉ này. Cánh quạt của Osprey có thể gấp gọn trong vòng 90 giây một cách gọn ghẽ để “xếp hàng” trên tàu sân bay.
Nhiệt lượng tỏa ra từ động cơ V-22 có thể gây hại cho boong tàu sân bay. Để giải quyết vấn đề này, Sở chỉ huy Hệ thống bay Hải quân đã nghĩ ra một lớp “ván” chống nhiệt đặt dưới động cơ nhằm tránh làm hỏng bề mặt tàu sân bay.
Lính thủy đánh bộ nhảy dù từ Osprey.
Kể từ khi gia nhập biên chế của Không quân và Hải quân Mỹ, Osprey được trưng dụng trong các nhiệm vụ vận tải và cứu nạn ở Iraq, Afghanistan, Libya và Kuwait. Mới đây nhất trong trận động đất ở Nhật Bản, Osprey cũng có mặt và cứu hộ người dân.
Sự ra đời của “Chim ưng biển” xuất phát từ nhiệm vụ giải cứu con tin bất thành tại Iran diễn ra năm 1980. Không quân Mỹ lúc đó đã yêu cầu một loại máy bay mới, không chỉ cất và hạ cánh thẳng đứng mà còn thực hiện được các nhiệm vụ tấn công, đổ bộ ở tốc độ cao.
Cánh quạt V-22 xếp gọn gàng khi hạ cánh.
Tháng 5.1985, tập đoàn Boeing đã được kí hợp đồng 1,7 tỉ USD với Hải quân Mỹ nhằm phát triển loại máy bay vận tải đa năng này. Thời điểm đó, 4 đơn vị tác chiến của quân đội Mỹ đều mong muốn sở hữu V-22.
Chiếc V-22 đầu tiên ra mắt công chúng sau đó 2 năm. Dự án đã bị chỉ trích rất nhiều. Cũng trong năm đó, Quân đội Mỹ tuyên bố rút khỏi dự án và tập trung vào các chương trình quân sự khác.
V-22 tiếp nhiên liệu trên không trung.
Năm 2000 có 2 vụ tai nạn liên quan tới Osprey khiến 19 lính thủy đánh bộ thiệt mạng. Năm 2012, các thay đổi về phần cứng, phần mềm, khả năng cất hạ cánh đã được sửa đổi và cải tiến trên V-22. “Chim ưng biển” kết thúc quá trình đánh giá kĩ thuật vào năm 2005. Trong đợt thử nghiệm cuối cùng này, V-22 được đánh giá khả năng hoạt động tầm xa, trần bay, các chiến dịch từ tàu sân bay và trên sa mạc. Các vấn đề trước đây xuất hiện đã được giải quyết triệt để.
Osprey hiện nay có tốc độ bay 270 knot (khoảng 500km/giờ) ở tốc độ phản lực và khoảng 184km/giờ ở tốc độ trực thăng, trần bay tối đa 4.300m. Chim ưng biển dài 17,5m, rộng 25,8m, trọng lượng trên 27 tấn và tầm hoạt động 1.600km. Osprey có thể chuyên chở 24 binh sĩ và 32.000 lít nhiên liệu.
Lính Mỹ sử dụng súng máy M240 trên "Chim ưng biển".
Quá trình phát triển V-22 là một “cuộc chiến” thực sự vì chi phí đăt đỏ, phần lớn gây ra bởi yêu cầu cánh quạt cụp-xòe khi ở trên tàu sân bay. Chi phí phát triển dự tính là 2,5 tỉ USD trong năm 1986 đã đội lên 30 tỉ USD trong năm 1988. Cứ mỗi năm nghiên cứu thêm thì số tiền này lại tăng lên không ngớt.
Tháng 10.2007, tạp chí danh tiếng Time chỉ trích V-22 không an toàn, đắt đỏ và vô dụng. Hải quân Mỹ đã phản bác lại thông tin này và cho rằng số liệu Time đưa ra là lỗi thời, không chính xác và đặt kì vọng quá nhiều vào một máy bay đang nghiên cứu chế tạo.
Cận cảnh cánh quạt làm bằng chất liệu composite của V-22 Osprey.
Năm 2005, Lầu Năm Góc đã thông qua quyết định sản xuất hàng loạt V-22 với tổng số 458 chiếc, trong đó 360 chiếc cho Lục quân, 50 chiếc cho Không quân và 48 chiếc cho Hải quân với chi phí 110 triệu USD một chiếc. Tới năm 2008, con số này giảm xuống 67 triệu USD. Mỗi giờ bay, Osprey đốt của quân đội Mỹ 10.000 USD (khoảng 220 triệu đồng).
Với chức năng vận tải là chính nên Osprey không được chú trọng hỏa lực. Hiện nay, “Chim ưng biển” gắn súng máy M240 cỡ đạn 12,7mm. Dự kiến pháo Gatling sẽ được gắn ở mũi V-22 trong tương lai gần. V-22 được gắn Hệ thống Vũ khí Phòng vệ Tạm thời (IDWS) được điều khiển nhờ màn hình màu và hình ảnh hồng ngoại trong máy bay. Hệ thống IDWS được triển khai trên phân nửa máy bay Osprey điều động tới Afghanistan năm 2009 tuy nhiên bị hạn chế dùng vì cân nặng quá lớn (khoảng 360kg).