Trong khi các ngư dân hành nghề thợ lặn lặn sâu khoảng 8m, luồng nước bốc mùi khắt, có lúc thối.
Sau 3 phút, anh Pham Văn Thùy đã đưa lên một giỏ hơn chục con cá chết thối đang phân hủy. Anh Thùy cho biết, đây 5 loại cá tầng đáy, kèm theo đó là xác của ghẹ, vẹm biển, ốc biển cùng nhiều loài vỏ cứng khác bị chết thối.
Phát hiện xác cá chết thối dưới đáy biển.
Tiếp tục ra sâu ngoài vùng rạn san hô, ở khu vực lặn 15m, chúng tôi cùng ngư dân tham gia và đưa lên cả nhím biển - một đặc sản nức tiếng - đã chết. Cùng đó là hệ san hô non bị phân hủy, gãy đổ, nhiều tảng san hô cứng đã bị rụng cội vì bị chết trong thời gian qua. Cả rạn san hô cực lớn không tìm ra cá thể loài nào có thể còn sống sót khi chúng tôi lặn ở khu vực biển Nhân Trạch.
Thợ máy Phạm Văn Quy cho biết, cá chết dưới tầng đáy ở khu vực này nằm la liệt, ngư dân không thể làm ăn gì được.
Không chỉ rạn san hô gần bờ của xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, mà còn ở nhiều xã khác trên tỉnh Quảng Bình, tình trạng cá chết ở tầng đáy xuất hiện khá nhiều.
Trước tình hình này, ông Lê Minh Ngân - Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Quảng Bình - cho biết đã nắm bắt thông tin. Sở đã có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ Tài nguyên-Môi trường vào cuộc với nội dung "đề nghị Bộ chỉ đạo các đơn vị quan trắc lưu ý hiện tượng được người dân phản ánh nói trên trong quá trình khảo sát, lấy mẫu nước và trầm tích để phân tích nhằm góp phần đánh giá toàn diện tình hình trong quá trình tìm nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ven biển các tỉnh miền Trung thời gian qua, đồng thời có phương án xử lý phù hợp để nhân dân yên tâm tiếp tục đánh bắt thủy hải sản trên biển”.
Một số hình ảnh Dân Việt ghi lại khi cùng thợ lặn ra tận rạn san hô cách bờ biển xã Nhân Trạch 2-5 hải lý:
Những con nhum biển được ngư dân vớt lên.
Rạn san hô bị chết.
Các loài cá sống tầng đáy, các loài ghẹ, nhím biểm được các thợ lặn thôn Nhân Nam vớt từ rạng san hô gần bờ trong chiều 6.5.