Nhiếp ảnh gia Rómulo Rejón đã trèo lên các ngọn núi xung quanh để ghi lại những hình ảnh về cánh đồng lúa Lingko có hình giống lưới nhện gần ngôi làng Cara trên đảo Flores ở Indonesia.
Cánh đồng được chia thành nhiều thửa ruộng nhỏ cho người dân trong làng theo phương thức truyền thống từ cách đây hàng trăm năm. Theo đó, những gia đình có nhiều thành viên hay có địa vị cao được chia những ruộng lớn hơn.
“Tôi đã tham quan nhiều quốc gia ở châu Á và đây là nơi duy nhất tôi thấy cánh đồng lúa có hình mạng nhện độc đáo”, nhiếp ảnh gia Rómulo Rejón cho biết. “Tôi không biết diện tích thực tế của cánh đồng, nhưng nó rất lớn khi so với quy mô người dân sống tại đây.”
Mặc dù vậy, hình lưới nhện của cánh đồng Lingko cho đến nay vẫn chưa rõ được thiết kế một cách ngẫu nhiên hay có mang ý nghĩa tôn giáo.
Một số người dân địa phương cho biết cánh đồng được chia như vậy nhằm mục đích cân bằng và hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Vào thời điểm cấy và thu hoạch lúa hàng năm, các nghi lễ truyền thống thường được tổ chức ở trung tâm của “lưới nhện”.
Khi cánh đồng có thêm một thửa ruộng mới, người dân địa phương sẽ giết trâu để làm vật tế thần.
Cánh đồng Lingko trước đây thường được sử dụng để canh tác lúa khô, nhưng hiện nay người dân chủ yếu trồng lúa nước.
Du khách tham quan đảo Flores có thể thuê một hướng dẫn viên du lịch dẫn họ khám phá cánh đồng hình lưới nhện độc đáo này.
Cư dân sống trên đảo Flores phần lớn là người Manggarai có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha.