Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Long vừa kiểm tra và phát hiện Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Hoàng Long Việt kinh doanh đa cấp nhưng núp bóng công ty bán phân bón. Doanh nghiệp này đăng ký là kinh doanh phân hữu cơ, song khi kiểm tra, nhiều khách hàng có mặt tại công ty cho biết đến để đòi nhận tiền tri ân dù công ty không có giấy phép bán hàng đa cấp từ cơ quan quản lý.
Trước đó, công ty này mời khách hàng đăng ký khóa học khai thác kỹ năng tiềm ẩn Hỏa Phượng Hoàng với giá mỗi suất là 4,9 triệu đồng và hứa sau 5-6 tháng sẽ hoàn vốn, sau 8 tháng được công ty trả tiền tri ân là 50,8 triệu. Mỗi người giới thiệu được một học viên cũng được chi 300.000 đồng tiền hoa hồng. Tuy nhiên, đã quá thời gian trên, khách hàng chưa nhận được khoản vốn và khoản tri ân nào. Đến khi bị kiểm tra, Công ty Hoàng Long Việt đã 6 lần tổ chức đào tạo các khóa học với 318 người mua 635 thẻ đào tạo.
Mô hình đa cấp được nhiều doanh nghiệp sử dụng trong kinh doanh các khóa học, huy động tài chính cho các dự án...
Hình thức kinh doanh khóa học theo mô hình đa cấp trước đó đã được rất nhiều đơn vị áp dụng. Ông Phạm Thanh Hải, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT) – người được biết đến với các khóa học làm giàu từ nhiều năm nay đã áp dụng mô hình đa cấp vào dự án này. Theo đó, khi các thành viên giới thiệu thêm được người mới sẽ được hưởng hoa hồng.
Trong các chương trình đào tạo những khóa học làm giàu, IDT đều đưa ra các dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bất động sản và cây mắc ca để kêu gọi các cộng tác viên đầu tư góp vốn và trả lãi suất từ 30 đến 60%. Từ đầu năm ngoái, một số hợp đồng đã quá hạn thanh toán nhưng nhà đầu tư không liên lạc được với ông Hải nên đã làm đơn tố cáo. Cuối năm 2015, ông Hải bị bắt để phục vụ công tác điều tra do hành vi "kinh doanh trái phép” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Không riêng IDT, mô hình đa cấp cũng được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản vận dụng và phát triển khá rầm rộ trong khoảng 2 năm nay. Trên thị trường, nhiều sàn phân phối, chủ đầu tư bất động sản cũng thường xuyên tổ chức các khóa học, chia sẻ kỹ năng bán hàng. Tuy nhiên thực tế tại các khóa học này, diễn giả thường thuyết phục học viên tham gia đầu tư những sản phẩm do đơn vị này đứng ra phân phối hoặc triển khai với mức giá rẻ chỉ bằng một nửa so với mặt bằng thị trường. Bên cạnh đó, nếu các học viên giới thiệu, bán được hàng cho các nhà đầu tư khác thì sẽ được chiết khấu ngay khoảng 6-7% giá trị sản phẩm, gấp 6-7 lần thông thường.
Ngoài hình thức góp vốn vào dự án, một số doanh nghiệp còn huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu nội bộ. Từ năm 2015, Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại Dịch vụ Thái Tuấn (Xuân La, Tây Hồ) thường xuyên tổ chức các buổi hội nghị khách hàng ở nhiều tỉnh, thành để mời gọi người tham gia góp vốn vào công ty dưới hình thức phát hành cổ phiếu nội bộ. Để thu hút người góp vốn, công ty quảng cáo các dự án nhà hàng, khách sạn, kinh doanh bất động sản karaoke, sản xuất nước uống… Mức lợi nhuận cam kết lên tới hơn 100% mỗi năm cùng với nhiều phần thưởng ôtô hạng sang nếu giới thiệu được nhiều người tham gia.
Phương thức kinh doanh đa cấp cũng được nhiều đơn vị áp dụng trong lĩnh vực tài chính. Sân chơi tài chính STS6 gần đây được phát triển khá nhanh nhờ phương thức này. Để tham gia hệ thống, người chơi chỉ cần bỏ ra một khoản tiền lập tài khoản, sau đó tham gia các gói đầu tư từ 8 đến 64 triệu đồng. Và cũng giống như những loại hình kinh doanh đa cấp khác, để thu hút người tham gia, các đơn vị này hứa hẹn những khoản lợi nhuận lớn vào khoảng 360% tiền lãi cộng với hoa hồng từ việc phát triển hệ thống.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, phương thức đa cấp được áp dụng khá phổ biến, và từng có nhiều vụ việc lừa đảo đã bị phát hiện và xử lý. Cách thức thường được các đối tượng sử dụng là lập các website và bán các gian hàng ảo theo hình thức đa cấp để huy động tiền. Một số vụ việc điển hình như MB24, Tâm Mặt Trời...
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Công Thương - ông Trần Quốc Khánh từng cho biết một trong những điểm quan trọng của bán hàng đa cấp là phải có hàng hóa. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, thực tế, mô hình kinh doanh đa cấp bị biến tướng thành nhiều loại khác nhau ở nhiều lĩnh vực, trong đó mục đích chính là huy động vốn của người tham gia.
Còn theo Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, một doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính tức là hoạt động cơ bản của doanh nghiệp đó phải là hoạt động bán và tiêu thụ hàng hóa chứ không phải các hoạt động tuyển dụng, thu hút đầu tư, huy động tiền...
"Một doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, thực hiện đúng chức năng bán hàng, cần phải đáp ứng các tiêu chí cơ bản là có sản phẩm tốt, đào tạo nhà phân phối, tập trung bán hàng không tập trung tuyển dụng", Cục Quản lý Cạnh tranh lý giải.