(Ảnh minh họa)
Một trường hợp gay cấn
Ông vốn là giám đốc một chi nhánh ở TPHCM của một ngân hàng thương mại tên tuổi hàng đầu Việt Nam. Trước khi ngồi ở vị trí đó, ông từng nhiều năm là đại diện của ngân hàng ở nước ngoài. Ngoại ngữ, luật lệ hoạt động của ngân hàng nước ngoài ông nắm rõ cả. Nghiệp vụ ngân hàng ông cũng tinh thông. Chẳng thế mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định bổ nhiệm ông tham gia hội đồng quản trị của một ngân hàng thương mại cổ phần đang trong quá trình tái cơ cấu. Cụ thể, ông đại diện cho số cổ phần mà NHNN đang nắm giữ tại đây thông qua một ngân hàng thương mại nửa quốc doanh. Tỷ lệ cổ phần của Nhà nước đủ lớn để ông có thể được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị. Hơn nữa, cơ quan quản lý không che giấu ý định đưa ông vào chiếc ghế chủ tịch để cùng phối hợp với một người khác cũng do NHNN cử sang đảm đương trách nhiệm tổng giám đốc, điều hành ngân hàng thương mại cổ phần này đi theo đúng định hướng tái cấu trúc.
Khi ngân hàng tiến hành cuộc họp đại hội đồng cổ đông, ông đã được bầu vào hội đồng quản trị. Nhưng đến khi hội đồng quản trị họp, bầu chủ tịch thì ông rớt với lý do lãng xẹt: ông “quên” không bầu cho chính mình. Điều đó chẳng khác nào số cổ phần của Nhà nước mà ông đại diện bị bỏ ra rìa. Người ta tự hỏi vì sao một người kinh nghiệm, nghiệp vụ ngân hàng rành trong lòng bàn tay như ông, mà lại không biết mấy cái thủ tục bầu bán của ngân hàng thương mại cổ phần. Ngoài hành lang, một viên chức NHNN bình luận, đại ý có thể ông ấy quen làm việc theo luật lệ quốc tế, nơi mà người ta không bỏ phiếu bầu cho chính mình vào một vị trí quan trọng nào đó. Anh được tín nhiệm là do các thành viên khác bầu chọn.
Dĩ nhiên là ông không vui vì không hoàn thành nhiệm vụ NHNN giao phó. Nên sau đó vài tháng, ông nộp đơn xin thôi công tác ở ngân hàng thương mại cổ phần nói trên với lý do cá nhân. NHNN cuối cùng cũng đồng ý rút ông về.
Tuy nhiên sự rút lui của ông cũng chẳng làm cho việc bổ sung nhân sự của ngân hàng thương mại cổ phần kia suôn sẻ. Trong lúc giao thời, NHNN chưa kịp cử người thay thế ông đại diện cho phần vốn nhà nước.
Ngày họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của ngân hàng nói trên (diễn ra vào cuối tháng 4 vừa rồi), người ta thấy có một người phụ nữ còn trẻ, đến dự từ sáng sớm, song chỉ quan sát chứ không đăng ký tư cách cổ đông tham dự. Trước phiên họp mấy ngày, người phụ nữ ấy đi cùng với luật sư đến gặp đại diện Cục Thanh tra, Giám sát NHNN ở TPHCM, khiếu nại việc cô có cổ phần và được một nhóm cổ đông ủy quyền, tổng cộng đến hơn 10%, nhưng không được đưa vào danh sách bầu thành viên hội đồng quản trị. Nhóm nhà đầu tư ủy quyền cho cô và một số cổ đông khác đã không đăng ký tham dự đại hội cổ đông thường niên, thành ra đại hội đồng không có đủ số cổ đông tham dự tối thiểu 65% theo quy định pháp lý, nên không tiến hành được.
Quy trình làm nhân sự đã khác trước
Tuần qua, một ngân hàng thương mại cổ phần khác ở TPHCM cũng thông báo dời cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên sang tháng 6-2016. Nguyên nhân, theo thông báo của ngân hàng này, là đang chờ hướng dẫn và phê duyệt đề án tái cơ cấu sau sáp nhập từ phía NHNN. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các công ty cổ phần phải tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên trong bốn tháng đầu năm. Họ có thể được gia hạn thêm hai tháng, tối đa đến 30-6 hàng năm với lý do chính đáng. Sau thời gian này mà vẫn chưa tổ chức thì cơ quan quản lý sẽ “vào cuộc” tìm rõ nguyên nhân.
Một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng dời cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường liên quan đến nhân sự. Nguồn tin đáng tin cậy từ NHNN xác nhận chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần lớn phía Nam đã nộp đơn xin nghỉ với lý do cá nhân từ trước Tết Nguyên đán, nhưng đến nay NHNN vẫn chưa chấp thuận. Ông này nghỉ phải có người khác kế nhiệm, nhưng ngân hàng lại không đưa ra được người thay thế. Vì NHNN đang nắm giữ cổ phần chi phối tại đây, đáng lý NHNN phải cử người đại diện, nhưng không biết vì sao đến giờ việc cử người vẫn chưa hoàn tất.
Nhân sự ngân hàng hiện đang là vấn đề “nóng” vì nó gắn chặt với tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Luật bất thành văn là trước kỳ họp đại hội đồng cổ đông, các ngân hàng phải họp, lập danh sách nhân sự (trong đó có chức danh chủ tịch hội đồng quản trị), sau đó thăm dò ý kiến của cơ quan thanh tra, giám sát NHNN và các vụ, cục cũng như lãnh đạo cấp cao NHNN về danh sách này. Nếu thuận lợi, hội đồng quản trị họp lại, ra nghị quyết rồi gửi lên Cục Thanh tra, Giám sát NHNN. Cục sẽ gửi văn bản ra Tổng cục Thanh tra, Giám sát. Đến lượt mình, Tổng cục Thanh tra, Giám sát tham khảo ý kiến các vụ, phòng ban của NHNN, rồi trình lên các Phó thống đốc, Thống đốc xem xét.
Điều 51, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định rõ: “Danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban tổng giám đốc của tổ chức tín dụng, phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi bầu, bổ nhiệm các chức danh này. Những người được bầu, bổ nhiệm, phải thuộc danh sách đã được NHNN chấp thuận”. “Tổ chức tín dụng phải thông báo cho NHNN danh sách những người được bầu, bổ nhiệm các chức danh quy định trên trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày bầu, bổ nhiệm”.
Theo Luật Doanh nghiệp, đại hội đồng cổ đông là người quyết định các quyết sách, nhân sự của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, chịu sự quản lý của các luật chuyên ngành, nên quy định của Luật các tổ chức tín dụng là quyết định đối với hoạt động ngân hàng. Đại diện một ngân hàng cho biết nhiều năm trước, đại hội đồng cổ đông bầu nhân sự, rồi trình Thống đốc chuẩn y. Nay thì khác, Thống đốc (hoặc một phó thống đốc được ủy quyền ký thay) chấp thuận danh sách nhân sự thì ngân hàng mới tiến hành cuộc họp đại hội cổ đông và bầu bán. Trong trường hợp NHNN không có ý kiến về nhân sự, thì đại hội đồng cổ đông phải gác nhân sự qua một bên, chỉ thảo luận những vấn đề khác.
Danh sách nhân sự được mang ra bầu tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của các tổ chức tín dụng thường được NHNN trả lời bằng văn bản cả tháng trước ngày đại hội. Tuy thế, cũng có trường hợp hy hữu, gay cấn đến nghẹt thở. Năm ngoái, một ngày trước ngày họp đại hội đồng cổ đông đã được ấn định, ngân hàng nọ vẫn không nhận được văn bản về nhân sự của NHNN. Nhiều cổ đông lớn có lẽ đã mất ngủ. Nhưng đúng 7 giờ sáng ngày hôm sau (tức ngày họp đại hội đồng cổ đông), Cục Thanh tra, Giám sát NHNN tại TPHCM mới nhận được văn bản của NHNN gửi vào chấp thuận danh sách. Vì thế, đến 8 giờ 30 sáng, cuộc họp đại hội đồng cổ đông của ngân hàng nọ mới tiến hành được.
Đây chắc chưa phải là trường hợp hy hữu cuối cùng về nhân sự ngân hàng!