Áp lực xã hội có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ máy sinh học
Áp lực xã hội đang khiến con người ngủ ít hơn, gây nên “khủng hoảng giấc ngủ toàn cầu”, một nghiên cứu mới đây cho biết.
Các nhà khoa học từ trường Đại học Michigan sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để theo dõi giấc ngủ trên thế giới. Họ thu thập dữ liệu về việc tuổi tác, giới tính và số thời gian mỗi người ra ngoài trời ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ ở 100 quốc gia.
Nghiên cứu đã giúp các nhà khoa học hiểu được áp lực xã hội có thể ảnh hưởng đến bộ máy sinh học như thế nào.
“Ảnh hưởng của xã hội với giấc ngủ là không thể đo đếm được”, trích dẫn kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tờ Science Advances. “Chúng tôi phát hiện ra áp lực xã hội khiến nhịp sinh học yếu đi hoặc mất hẳn vào buổi tối, khiến con người ngủ muộn hơn, giấc ngủ cũng ngắn hơn.”
Đàn ông trung niên là những người ngủ ít nhất
Nghiên cứu cho biết thời gian lên giường muộn là nguyên nhân chủ yếu gây thiếu ngủ, và tuổi tác là yếu tố chính quyết định số tiếng ngủ mỗi ngày.
Những người đàn ông trung niên là những người ngủ ít nhất, ít hơn 7-8 tiếng, số thời gian ngủ được khuyến khích mỗi ngày. Và phụ nữ ngủ nhiều hơn năm giới trung bình là 30 phút.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu được lấy từ ứng dụng điện thoại thông minh Entrain, phát hành năm 2014 để giúp người dùng cải thiện lệch múi giờ.
Các nhà khoa học đã hỏi khoảng 6.000 người từ 15 tuổi trở lên về giấc ngủ, thời gian thức dậy và số giờ ra ngoài trời của họ.
Ứng dụng cũng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin về tuổi tác, giới tính, quốc tịch và múi giờ nơi họ đang sinh sống.
Áp lực xã hội khiến khiến con người ngủ muộn hơn, giấc ngủ cũng ngắn hơn
Giấc ngủ được điều khiển bởi một đồng hồ sinh học “nội bộ”, bao gồm 20.000 tế bào thần kinh có kích thước bằng một hạt gạo, nằm ở phía sau hai con mắt, và được điều chỉnh dựa trên số ánh sáng mắt nhìn thấy mỗi ngày, đặc biệt là ánh sáng tự nhiên.
Thời gian ngủ trung bình trên thế giới là từ 7 tiếng 24 phút ở Singapore và Nhật Bản, đến 8 tiếng 12 phút ở Hà Lan, nghiên cứu cho biết.
Mặc dù chỉ chênh nhau khoảng 48 phút, nhưng thực tế, thiếu 30 phút ngủ mỗi ngày tác động rất lớn đến chức năng nhận thức và sức khỏe, các nhà nghiên cứu cho biết. Những người thiếu ngủ sẽ bị giảm khả năng nhận thức mà không ý thức được điều đó.
"Thiếu ngủ là một mối đe dọa trước mắt và lâu dài với sức khỏe con người", nghiên cứu kết luận.