Thuở sinh thời cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn đau đáu về tam nông. Ông hay nói “Ly nông tất ly hương” đừng để nông dân không có ruộng phải giạt lên thành phố, tội lắm. Ông say sưa nói về một nông thôn đa ngành nghề, người nông dân không quá lệ thuộc vào những cánh đồng, vụ mùa, để có thể đối ứng với thiên tai, bất ngờ của thời tiết.
Đúng là lão nông tri điền khi mà những điều trông thấy hiện nay ở nông thôn rơi đúng hiểm họa bất đối ứng như vậy.
Tôi bắt chuyến xe ôm từ cơ quan ra bến xe miền Tây để kịp vé đặt và hỡi ơi người chạy xe ôm là ông bạn vàng của tôi ở Sóc Trăng, cũng thuộc loại có ruộng, có vườn, có chuồng trại, vuông tôm. Nhìn ông không ra, đen đúa, gầy nhom:
-Mấy đợt tôm mất trắng Linh ơi, vụ hè thu xuống giống đợt rồi đón thủy điện Trung Quốc xả lũ nhưng không có nước ngọt héo queo hết. Mình để bà xã ở quê cầm cự còn mình lên đây chạy xe ôm mấy tuần rồi kiếm tiền lo học phí đứa con gái đầu đang học đại học trên Sài Gòn. Không sợ cực, chỉ sợ “đụng” mặt, con nó biết mình chạy xe ôm thì chết… Đợi ông trời đổ mấy cơn mưa, mình sẽ quay về quê.
Hóa ra người nông dân có nhiều ruộng đất vẫn phải ly hương để kiếm sống. Thiên tai mà.
Vấn đề là thiên tai sẽ kéo dài bao lâu, năm sau, mùa sau có lập lại không?
10/13 tỉnh ở ĐBSCL đã công bố thiên tai, gần 225.000ha lúa, hơn 6.600ha hoa màu, 5.000ha nuôi thủy sản bị thiệt hại, 9.400ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, hàng trăm ngàn hộ dân, các bệnh viện, trường học vùng hạn mặn đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Ở góc nhìn khác, chỉ riêng hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng đã có hơn 40.000 người bỏ quê đi làm ăn xa trong điều kiện túng quẫn là một chỉ dấu đáng lo ngại về một đợt ly nông và di cư lao động lớn trong thế bị động.
Nếu dùng xe máy chạy luồn trong các xóm ấp miền Tây Nam Bộ bạn sẽ dễ nhận ra nhiều ấp văn hóa, đường bê tông hóa, xe máy cả xe du lịch…nhiều quán nhậu, quán cà phê. Người lạc quan và phần lớn cán bộ đi tham quan đều cho rằng nông thôn ta tốt quá, đó cũng là thành quả của chương trình nông thôn mới mà chính phủ dày công đeo đuổi.
Tuy nhiên ở góc độ kinh tế, đây không phải là cơ cấu tam nông bền vững (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) khi mà người nông dân chủ yếu sống nhờ canh tác, nuôi trồng mà thiếu hẳn các ngành công nghiệp phụ trợ. Bất cứ một diễn biến bất lợi nào về thị trường như sụt giảm giá lúa gạo, hải sản, thủy sản, thịt gia cầm, gia súc…đều làm nông dân lao đao.
Đợt hạn mặn chưa từng có như đang xảy ra đã giáng một đòn kinh khủng vào tam nông làm bộc lộ các mặt khuyết nhược của nó.
Ông Trần Hữu Hiệp- ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định: Thiếu việc làm, nông thôn, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm ở nông thôn là nguyên nhân “đẩy” lao động nông thôn ra khỏi khu vực truyền thống một cách chông chênh. Trong bối cảnh đó, cơn hạn, mặn khốc liệt vừa qua như một “cú đấm hội đồng” lên “thân thể” các gia đình nông dân, nông thôn ở ĐBSCL.
Nắng Sài Gòn nóng như đổ lửa, người bạn tôi liếm những giọt nước mắt pha lẫn mồ hôi:
-Nóng quá. Còn nóng là còn nuốt nước mắt Linh à, mà nước mắt cũng không mặn bằng nước ở quê mình đâu!
Cho đến hôm nay vẫn chưa có chương trình dài hạn nào giải quyết hạn mặn cho đồng bằng sông Cửu Long và người nông dân vẫn như ngàn năm trước ngước mặt lên trời mà kêu: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy chén cơm đầy, lấy khúc cá to…”
Cơm đầy, cá to đã vụt khỏi tầm tay nông thôn và người nông dân rồi.