Nghề làm thúng của ngư dân vùng ven biển Miền Trung đã có từ lâu đời, được truyền qua nhiều thế hệ và đó là những phương tiện đầu tiên để ngư dân ra khơi. Chiếc thúng dùng để đánh bắt hải sản gần bờ, hoặc vận chuyển cung cấp nhu yếu phẩm trên biển.
Thúng làm bằng tre tiêu thụ chậm.
Chiếc thúng được làm bằng tre rất quan trọng và gần gũi với ngư dân. Ông Trần Văn Hiển (58 tuổi, ngụ xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) có hơn 30 năm làm nghề cho biết: Nghề làm thúng tại địa phương trước đây có rất nhiều hộ dân làm. Thúng được cung cấp ra cho các xã ven biển như Thanh Hải, Phước Diêm và Cà Ná.
Người dân âu lo mai một nghề làm thúng.
Theo ông Hiển, làm chiếc thúng rất vất vả, phải trải qua nhiều công đoạn. Để hoàn thành chiếc thúng phải mất thời gian từ 5 – 7 ngày, bán với giá 1,4 – 2,6 triệu đồng/chiếc tùy theo loại lớn nhỏ; người mới chân ướt chân ráo bước vào nghề nhưng mỗi ngày cũng thu nhập được khoảng 200.000 đồng.
Hơn 15 năm trở về trước, thúng làm không đủ cung cấp cho thị trường, ông Hiển phải huy động cả vợ và con cùng làm để kịp mối hàng, thu nhập thời điểm đó cũng tương đối ổn định. Nhưng dần dần một số ngư dân đã chuyển sang đánh bắt bằng thúng nhựa, dẫn đến thúng bằng tre khó cạnh tranh trên thị trường.
Ông Hiển đang rất lo lắng cho nghề làm thúng bằng tre của mình bởi sản phẩm bây giờ rất khó bán, tiêu thụ chậm. Đã hơn 2 tháng nay nhưng ông chỉ xuất bán được 2 chiếc, khách đến mua ngày một thưa dần.
Luyến tiếc cho nghề làm thúng, ông Hiển thở dài chia sẻ: Chiếc thúng làm bằng tre bây giờ bán rất mong manh, sức tiêu thụ chậm hơn trước.