Dân Việt

Cổ phiếu ngân hàng: Chờ “cú hích” từ nhà đầu tư nước ngoài

Trần Giang (thực hiện) 10/05/2016 07:00 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành tập đoàn VinaCapital, cho rằng giá cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng lên ngay sau khi được mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.

img

Thưa ông, dường như các ngân hàng đang rất sốt ruột với việc chậm nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Ví như trường hợp Vietcombank, Vietinbank đã chủ động xin Chính phủ nới room. Vì sao vậy?

- Vietcombank và Vietinbank hiện vẫn còn room cho NĐTNN, với tỷ lệ sở hữu nước ngoài tương ứng đang ở mức 25% và 29%. Tuy nhiên room còn lại không đủ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Mục đích của việc nới room của 2 ngân hàng này là để huy động thêm vốn từ các đối tác chiến lược nước ngoài. Có thể ngân hàng Mizuho (sở hữu 15% Vietcombank) và ngân hàng BTMU (sở hữu 20% ở Vietinbank) đều mong muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên để có thể tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của ngân hàng.

Hiện nay, việc tăng vốn là một nhu cầu cấp thiết để duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) trong bối cảnh các ngân hàng đang tăng trưởng tín dụng ở mức cao 15-20% cùng lúc với việc gia tăng trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu và tiến tới áp dụng Basel II.

CAR của Vietcombank hiện giảm còn 11% vào cuối 2015 từ mức gần 15% sau khi Mizuho mua cổ phần trong năm 2012. Con số tương ứng của Vietinbank là 10% từ mức 13% trong năm 2013 sau khi BTMU mua cổ phần. Khi áp dụng Basel II tỷ lệ CAR sẽ giảm tiếp.

Việc các ngân hàng quy mô lớn trên thế giới tham gia làm nhà đầu tư chiến lược còn cung cấp các hỗ trợ khác cho ngân hàng Việt Nam như mở rộng cơ sở khách hàng, nâng cao khả năng quản trị rủi ro, nâng cấp hệ thống IT và sức cạnh tranh của ngân hàng.

Lợi ích là vậy nhưng tại sao nhiều ngân hàng ngại niêm yết trên sàn chứng khoán vậy. Với số lượng 34 ngân hàng nhưng mới có 9 ngân hàng đã niêm yết. Tại sao lại như vậy?

- Nguyên nhân một số ngân hàng vẫn ngần ngại trong việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) có thể đến từ việc ngân hàng chưa đáp ứng các điều kiện để được niêm yết.

Theo Thông tư 26/2012 của NHNN, các ngân hàng cần đáp ứng một số điều kiện để được niêm yết như: tuân thủ các hệ số bảo đảm an toàn của của tổ chức tín dụng, HĐQT/Ban kiểm soát phải có số lượng và cơ cấu tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Một lý do nữa khiến các ngân hàng ngần ngại lên sàn tại thời điểm này có thể do áp lực về nguồn cung cổ phiếu ngân hàng là khá lớn sau niêm yết. Trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng không còn nóng, nếu đưa lên sàn vào thời điểm thị trường không sôi động, cổ phiếu chắc chắn khó lên giá.

Quan trọng hơn, việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK đi đôi với việc tăng cường minh bạch thông tin, đặc biệt là các thông tin liên quan đến công khai báo cáo tài chính và mức nợ xấu. Một số ngân hàng chủ trương chỉ niêm yết sau khi đã hoàn thành việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Nếu các ngân hàng niêm yết hết trên sàn chứng khoán tập trung thì tác động thế nào tới thị trường?

- Việc niêm yết các ngân hàng sẽ làm tăng quy mô vốn hóa của toàn thị trường và làm gia tăng tỷ trọng ngành ngân hàng trong chi số VN Index. Qua đó thanh khoản toàn thị trường có thể tăng thêm do các nhà đầu tư gia tăng giao dịch trên những cổ phiếu ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng, quản trị tốt và mức độ minh bạch hóa thông tin cao.

Tuy nhiên triển vọng cải thiện về thanh khoản có thể thấp hơn dự kiến đối với các ngân hàng mà số cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) thấp, cổ phiếu tập trung ở một nhóm nhỏ các nhà đầu tư.

Ngoài ra, việc các ngân hàng đăng ký giao dịch trên sàn UpCom và tiến tới niêm yết sẽ là chỉ báo tốt về độ minh bạch thông tin, giúp thị trường có được cái nhìn chính xác hơn về sức khỏe ngành ngân hàng. Sự đa dạng cũng sẽ thúc đẩy cạnh tranh, buộc các ngân hàng phải không ngừng nâng cấp, khẳng định những ưu điểm của mình để thu hút các nhà đầu tư. Điều này sẽ có lợi cho toàn thị trường.

Xin cám ơn ông!

Một số cổ phiếu ngân hàng đã hết room như ACB, MBB, ngay sau khi mở room, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có thể lập tức mua cổ phiếu, qua đó giá cổ phiếu có thể tăng lên.

Mức độ tăng giá phụ thuộc vào việc mặt bằng giá cổ phiếu ở mức tương đối hấp dẫn, việc mua thực hiện thông qua thị trường mở (không qua giao dịch thỏa thuận) và áp lực bán hiện hữu trên cổ phiếu đó không qua lớn.