Dân Việt

Trồng chè UTZ, thu lãi 368 triệu đồng/năm

Hồng Vũ 10/05/2016 13:30 GMT+7
Với việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified (thực hành nông nghiệp tốt), chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) mang thương hiệu quốc tế, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới…

Chè sạch Tân Hương cũng là một trong 69 địa chỉ được xác nhận là “Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch”.

img

img

Sản phẩm chè sạch của HTX Tân Hương đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Theo tiêu chuẩn, chè sạch sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế khi pha nước có màu xanh nhạt, hương chè dịu nhẹ. Nước đầu thanh không quá chát, nước sau càng uống càng ngọt. Loại chè này chỉ có duy nhất tại HTX chè Tân Hương ở xã Phúc Xuân, TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất của tỉnh Thái Nguyên sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified.

Ai lớn lên ở xã Phúc Xuân cũng đều biết đến cây chè, từng nếm qua hương vị chè. Cũng có những thời điểm người dân chán cây chè vì thu nhập không đủ nuôi sống gia đình. Năm 2001, nhiều gia đình có chè chất ứ trong nhà, không tiêu thụ được. Nhiều người chán nản chặt bỏ để chuyển trồng cây ăn quả. Nghĩ đến truyền thống trồng chè bao năm qua, 2 người phụ nữ (nay là chủ nhiệm và phó chủ nhiệm HTX) đã không ngại mưa gió, mỗi tối thắp đèn đến từng nhà vận động các hộ tham gia hợp tác xã để liên kết tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn.

img

HTX Tân Hương tham gia Tuần lễ giới thiệu “Nông sản an toàn”.

Bà Bà Đỗ Thị Hiệp – Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương chia sẻ: “Dù đã liên kết các hộ nhưng sản phẩm vẫn chưa được đánh giá cao. Sau rất nhiều năm tham gia các hội thảo chúng tôi đã quyết định năm 2011 sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ. Năm đầu tiên gặp rất nhiều nhiều khó khăn vì chưa có đơn vị nào áp dụng. Thành viên HTX cũng chưa ai hiểu rõ về tiêu chuẩn UTZ. Phải trải qua rất nhiều lần mời chuyên gia về trụ sở UBND xã hướng dẫn quy trình sản xuất cho xã viên, những năm sau này, sản xuất mới dần ổn định”.

img

Bà Nguyễn Thị Nhài – Phó chủ nhiệm HTX bên sản phẩm đã được chứng nhận quốc tế UTZ.

Bà Nhài tự hào cho biết: “Có lẽ ở Thái Nguyên chỉ duy nhất chè của HTX Tân Hương là nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các nước Canada, Nhật Bản, Hà Lan. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế”.

Bà Nguyễn Thị Nhài – Phó Chủ nhiệm HTX cho biết, việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ khác xa rất nhiều so với sản xuất VietGAP. Để ra được sản phẩm đạt chuẩn thì mỗi xã viên phải tuân thủ hàng trăm các quy định theo dây chuyền khép kín.

 Đất trồng là đất sạch. Nước tưới không dùng nước ô nhiễm, nếu là nước hồ thì phải đi phân tích mẫu nước nếu đạt chuẩn mới tưới. Thuốc bảo vệ thực vật là thuốc được sự đồng ý của quốc tế khắt khe hơn với tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình thu hái phải dùng dụng cụ chuyên đựng là các sọt gỗ, làn tre nếu dùng bao túi, khí nóng sẽ làm hỏng chè. Ủ phân phải trên nền bê tông và có mái che, không ủ trực tiếp xuống đất và phải tránh xa giếng nước 25m. Phân bón là phân hữu cơ được chế từ những bịch trồng nấm đã quá thời gian sử dụng kết hợp ngâm ủ với phân chuồng qua bể thải để bón cho chè. Bãi chè phun thuốc bảo vệ thực vật xong phải có biển báo ghi rõ “Khu vực cách ly 24 giờ”. Khi đưa về nhà, chè được rải trên sàn gỗ sạch.

Mỗi sản phẩm của HTX khi xuất hiện trên thị trường đều có thể kiểm tra được từ nguồn gốc đến từng hộ sản xuất thông qua sổ ghi chép của từng hộ. Trong sổ này được ghi chép rõ những việc diễn ra hàng ngày liên quan đến cây chè như trồng khi nào, chăm sóc, bón phân, phun thuốc, cách chế biến, bảo quản, ký hiệu lô trên bao bì sản phẩm.

Hiện HTX chè Tân Hương có trên 40 thành viên với 22 ha trồng chè. Mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường 65 tấn chè khô tới các tỉnh trong cả nước. Sản phẩm gồm có 3 loại chính: Chè búp đặc biệt, chè tôm nõn và chè đinh. Giá bán trung bình từ 200.000 – 2 triệu/kg. Mỗi năm, 1 ha chè UTZ xã viên sẽ thu lãi 368 triệu đồng, nâng mức thu nhập tăng lên từ 15-20% so với cách làm truyền thống trước đây.