Thiện Nhân của hiện tại, hoạt bát và thông minh
Có mặt tại nhà Thiện Nhân vào giờ cơm tối, nhìn cách cậu bé ăn uống, sinh hoạt, nghe tiếng cười giòn giã khi chơi cùng bà và hai anh trai… bất giác quên mất cậu bé này từng có quá khứ kinh hoàng. Chỉ với một chân, Thiện Nhân “phi như bay”, cây cầu thang gần 20 bậc mà chỉ với 4 bước nhảy, cậu bé đã “hạ cánh” an toàn dưới sàn nhà. “Chú lính nhỏ” tự hào gọi đó là “tốc độ bàn thờ”, dù không ít lần bị mẹ dọa nạt vẫn không chịu bỏ.
Cậu bé được hồi sinh
Thiện Nhân bây giờ cũng có một cuộc sống đời thường như hàng nghìn đứa trẻ khác, chẳng còn chút vết tích nào của cái ngày bị bỏ rơi trong vườn, một chân và một bộ phận sinh dục bị thú hoang ăn mất. Nếu một thời, cậu bé được người ta gọi là “Chú lính chì dũng cảm”, “Cậu bé sinh ra từ trái tim”, “Dũng sĩ một chân”… thì giờ đây, đã đến lúc gác lại những mỹ từ to tát ấy. Chỉ cần gọi Thiện Nhân là đủ.
Suốt gần 10 năm, trải qua hàng loạt ca phẫu thuật nhiều đến nỗi không nhớ nổi ở khắp trong và ngoài nước để tái tạo bộ phận sinh dục… Thiện Nhân mới có cuộc sống như bây giờ. Nhưng tuyệt nhiên không phải những lần dao kéo ấy giúp cậu bé hồi sinh mà chính tình yêu thương của mẹ, ông bà ngoại và cộng đồng đã làm nên điều này.
Dáng đi như bay của Thiện Nhân khiến người nhìn phải thót tim
Giờ đây, Thiện Nhân đã là một học sinh lớp 4 chững chạc và tự lập. “Cậu bé một chân” năng nổ, hoạt bát tham gia mọi hoạt động của trường, lớp, từ kéo co, bơi lội cho đến thi chạy. Cái cách Thiện Nhân hai tay chống nạng, “phi như bay” giữa sân trường khiến thầy cô và phụ huynh không ít lần ngỡ ngàng và “thót tim”. Cũng chính bởi thế mà thỉnh thoảng “mẹ Mai Anh” lại nhận được một vài hình ảnh của con trai đang mải miết chạy do các vị phụ huynh gửi đến, kèm theo lời trầm trồ, kinh ngạc.
“Điều gì bạn bè làm được thì Nhân cũng làm được. Thằng bé còn thường xuyên xung phong đi lấy chăn gối cho các bạn trong lớp ngủ trưa. Không có hoạt động nào của lớp nó không góp mặt, đôi lúc, tôi còn phải tìm cách kìm lại vì sợ nó hoạt bát quá hóa… mệt. Thế nên, chưa bao giờ tôi thấy con mình khác với người bình thường, dù chỉ có một chân”, chị Trần Mai Anh – mẹ Thiện Nhân chia sẻ.
Thiện Nhân rất thông minh nên được mẹ cho đi học thêm nhiều thứ như: vẽ, cờ vua… Chị Mai Anh kể, Nhân còn có biệt tài vừa làm toán, vừa xem phim mà vẫn nhớ chính xác tên các nhân vật. Cũng vì thế mà Thiện Nhân trở thành “cạ cứng” xem phim với bà ngoại và có nhiệm vụ giúp bà nhớ tên, tuổi của mấy diễn viên nước ngoài.
Thiện Nhân là cậu bé thông minh và sâu sắc
Trong sinh hoạt hàng ngày, Nhân cũng như hai anh trai Thiên Minh, Hải Minh, tự làm mọi việc. Buổi sáng thức dậy, cậu bé tự đánh răng, rửa mặt, chuẩn bị đồ dùng học tập, ăn sáng và được xe của trường đón đi học. Đặc biệt, nếu là người dậy sớm nhất, Nhân không bao giờ quên lấy sẵn kem vào bàn chải đánh răng cho hai anh của mình.
“Nhân là đứa duy nhất trong nhà đeo khăn quàng cẩn thận trước khi đến trường. Muộn đến mấy, nó cũng phải gấp, vuốt rồi đeo khăn đỏ ngay ngắn rồi mới chạy ra xe. Nhân cũng chưa bao giờ khiến tôi hay mẹ nó chuẩn bị quần áo cho. Nó bảo: “Chỉ có con mới biết mình mặc gì đẹp nhất”, bà Kim Anh – bà ngoại của Thiện Nhân phì cười kể về đứa cháu bướng bỉnh.
“Tôi chẳng mất gì, chỉ có thêm một người con”
Trong khi nhiều gia đình phải cân nhắc lên xuống mới dám sinh thêm một người con thì chị Mai Anh - người phụ nữ gầy gò, kém may mắn trong hôn nhân không ngần ngại nhận nuôi một đứa trẻ lắm bất hạnh, mặc cho nhiều người khuyên can: “Đừng bao giờ bắt đầu cho một việc làm không có kết thúc”.
Nhắc lại quyết định lạ lùng của 9 năm về trước, chị Mai Anh bình thản: “Tôi chưa bao giờ cho đó là quyết định lớn lao hay quá hệ trọng như mọi người vẫn nghĩ. Tất nhiên, tôi hiểu, mình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi, khi ấy tôi cũng là mẹ của hai con trai rồi, cũng chẳng phải còn bồng bột, non dại. Nhưng tôi biết, dù không thể làm được điều gì quá vĩ đại cho Nhân thì về với tôi, Nhân vẫn sướng hơn ở đó”, chị Mai Anh viết.
Sự dũng cảm là điều mà chị Mai Anh tự hào nhất ở cậu con trai út
“Thiện Nhân dũng cảm là thế nhưng cũng có những nỗi sợ riêng và một trong số đó là chụp ảnh. Thằng bé rất sợ những lời đề nghị như: “Cho cô/chú chụp với con kiểu ảnh”, “Con tạo dáng đi, cười đi, cô chụp ảnh cho đẹp”… Còn tôi, thì buồn khi biết nhiều người nghĩ rằng, thằng bé không chịu chụp ảnh là không biết làm vui lòng người lớn. Tôi sợ nó bị tổn thương vì sự quan tâm thái quá của mọi người”, chị Mai Anh chia sẻ. |
Và, sau hành trình chữa bệnh đầy gian khổ, sau bao nhiêu đêm cùng con vật vờ trên giường bệnh, chứng kiến con nghiến chặt răng chịu đau, chị biết, có đứa con trai như Nhân là niềm may mắn lớn của chị mà nhiều người không có. Chị bảo, chị chẳng mất gì, chỉ có thêm một người con trai.
“Phải đọc tin nhắn Nhân nói chuyện với mẹ mới thấy thằng bé sâu sắc và đáng yêu đến cỡ nào. Mọi thứ nó đều quan tâm rất tỉ mỉ. Mỗi lần tôi đi công tác, nó đều nhắn tin hỏi phòng nghỉ có thoải mái không, công việc áp lực không, mẹ mệt không? Tôi đi làm về, hễ kêu đau đầu là Nhân lập tức biết phải lấy thuốc gì cho mẹ uống. Đêm nào, tôi cũng có một cốc nước để sẵn bên giường do Nhân cùng hai anh trai thay nhau lấy. Nhân ngủ cùng Hải Minh, nó luôn ngủ sau anh để kiểm tra anh trai đã bỏ kính chưa… Có một người con như vậy thì tôi mất gì nào?”, chị xúc động kể.
Với bà Kim Anh thì sự có mặt của “cậu bé một chân” cũng cho bà nhiều điều quý giá.
Bà chia sẻ: “Tôi 70 tuổi rồi, cuộc đời cũng có lúc gặp biến cố lớn tưởng không ngóc dậy được. Nhưng dù cuộc sống của tôi có bị đẩy xuống bùn đen thì tôi vẫn sướng hơn Nhân, vì sinh ra tôi cho cha mẹ, anh em còn thằng bé chẳng có gì cả”.
Thiện Nhân đã có một gia đình trọn vẹn
Với nhiều ông bố, bà mẹ, thành tích học tập của con là điều khiến họ tự hào nhất. Nhưng với chị Mai Anh, điều chị tự hào nhất về cậu con trai út là sự dũng cảm. Chị kể, trong suốt 9 năm rong ruổi chữa bệnh, đối mặt với bao nhiêu ca mổ xẻ, chưa bao giờ Nhân khóc hay la hét. Thậm chí, có lần, do nghịch ngợm bị chảy máu vết mổ, mẹ và bà thì khóc nức nở vì sợ hãi nhưng cậu bé vẫn “kín bưng”, nằm im thin thít, không rơi một giọt nước mắt nào.
“Lần nào mổ xong cũng thế, nó cứ bảo: “Con không đau, mẹ cứ ngủ đi, đau thì con gọi”. Có lần, vừa mổ được 1 ngày nó đã nằng nặc đòi về vì sợ mùi bệnh viện. Ấy thế mà về nhà nó nhăn răng cười, bảo sợ ở viện mẹ sẽ khổ. Tôi chưa thấy ai vừa mổ được 1 ngày đã xin ra viện, trừ Thiện Nhân”, chị Mai Anh kể.
Hành trình 10 năm đầu tiên đã làm nên một “Thiện Nhân” hoạt bát, sâu sắc và… rất "đàn ông" như thế.